Một văn bản dự thảo mới đây của UNESCO khuyến nghị đưa rạn san hô Great Barrier mang tính biểu tượng của Úc vào danh sách các Di sản Thế giới đang “gặp nguy hiểm”. Tuy nhiên chính phủ Úc đang phản đối khuyến nghị này, vốn được đưa ra một phần nhằm thúc đẩy nước này hành động chống biến đổi khí hậu.
Rạn san hô Great Barrier đã trải qua những đợt tẩy trắng lớn vào năm 2016, 2017 và 2020. Dự thảo của UNESCO trích dẫn các nghiên cứu của chính nước Úc, trong đó lưu ý hệ sinh thái của rạn san hô này đã “từ mức xấu xuống mức rất xấu” kể từ năm 2015, và sự suy thoái đó “diễn ra nhanh hơn và trên diện rộng” so với giữa năm 2009 và 2014, một phần do hiện tượng tẩy trắng san hô lặp đi lặp lại bởi nóng lên toàn cầu.
Rạn san hô được tạo nên từ hàng ngàn cá thể polip có cấu tạo gen giống hệt nhau, mỗi polip chỉ có đường kính vài milimet, góp phần tạo nên khung xương của rạn san hô, và là nơi ký sinh của tảo quang hợp. Đổi lại, tảo cung cấp thức ăn cho polip. Khi nước quá ấm, polip đẩy tảo ra và đó là lí do rạn san hô chuyển về màu trắng hay còn gọi là hiện tượng tẩy trắng san hô. Nếu nhiệt độ cao kéo dài thì polip sẽ đẩy hết tảo đi, không còn tảo cung cấp thức ăn và bị chết đói. Khi nhiệt độ nước trở lại bình thường, bất kỳ polip nào chưa chết đói sẽ tiếp tục làm nơi ký sinh cho tảo. Hầu hết san hô được cho là có thể tồn tại nếu một đợt nắng nóng kéo dài chỉ vài tuần. |
Nhà sinh thái biển Terry Hughes ở Đại học James Cook, Townsville, cho biết, tất cả 29 rạn san hô trong các khu vực thuộc Danh sách Di sản Thế giới đều đã bị tẩy trắng nhiều lần, nhưng UNESCO dường như muốn nêu đích danh Great Barrier bởi vì Úc là nước đang đi sau trong việc giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, nước này đã không tham gia cùng nhiều quốc gia khác trong việc đặt mục tiêu đưa lượng khí thải carbon ròng về 0.
Mặc dù UNESCO từng coi biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu và không riêng quốc gia nào chịu trách nhiệm, nhưng quan điểm này “dần dần đổi sang cách tiếp cận mới: liên kết các chính sách về biến đổi khí hậu của một quốc gia với trách nhiệm của họ cho các khu vực Di sản Thế giới của mình”. Hughes coi dự thảo mới của UNESCO là một “lời cảnh báo cho Úc rằng nếu nghiêm túc trong việc bảo tồn Rạn san hô Great Barrier cho các thế hệ tương lai, thì Úc phải cùng với phần còn lại của thế giới chống biến đổi khí hậu”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường của Úc, Sussan Ley, cho biết “Úc sẽ phản đối mạnh mẽ” khuyến nghị của UNESCO. “Tôi đồng ý rằng biến đổi khí hậu toàn cầu là mối đe dọa lớn nhất đối với các rạn san hô trên thế giới nhưng theo quan điểm của chúng tôi việc chọn một rạn san hô được quản lý tốt nhất trên thế giới [Great Barrier] để đưa vào danh sách “đang gặp nguy hiểm” là sai lầm”. Ley nói, nếu UNESCO muốn gắn việc đánh giá quản lý di sản với biến đổi khí hậu, “các Di sản Thế giới quốc tế khác cũng phải tuân theo quy trình tương tự”.
Nhưng nhiều nhà sinh thái học hoan nghênh động thái của UNESCO. “Dự thảo lần này đưa ra thông điệp mạnh mẽ rằng chính phủ Úc cần tham gia tích cực hơn vào các nỗ lực toàn cầu trong việc giảm phát thải”, theo Lesley Hughes, nhà sinh thái học tại Đại học Macquarie, thành viên của Hội đồng Khí hậu Úc, một tổ chức phi chính phủ chuyên tư vấn độc lập về các vấn đề khí hậu.
Ủy ban UNESCO từng đe dọa sẽ liệt Great Barrier vào diện nguy hiểm vào năm 2015, nhưng cuối cùng đã không làm như vậy sau khi chính phủ Úc đưa ra kế hoạch bảo vệ rạn san hô và chương trình theo dõi hằng năm. Chính phủ Úc đã vận động mạnh mẽ các thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới và đưa ra một báo cáo vào năm 2016 nói rằng điều kiện rạn san hô đã “cải thiện đáng kể”.
Quyết định cuối cùng về việc có thêm rạn san hô vào Danh sách Di sản Thế giới đang bị đe dọa hay không sẽ được 21 quốc gia của Ủy ban Di sản Thế giới đưa ra tại cuộc họp vào tháng tới ở Phúc Châu, Trung Quốc. Ủy ban hiện do Trung Quốc làm chủ tịch; Úc là một thành viên. Hughes nói rằng, ủy ban thường cố gắng đạt tới sự nhất trí giữa các thành viên khi đưa ra quyết định, nhưng khuyến nghị mới đến nay chưa đạt được sự nhất trí đó.