Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) cảnh báo, biến đổi khí hậu là nguyên nhân thúc đẩy cuộc khủng hoảng lương thực ở quốc gia ở Đông Phi Madagascar.
CNN đưa tin, ngày 23.6, giám đốc điều hành WFP David Beasley cho biết miền Nam Madagascar đã phải đối mặt với hạn hán liên tiếp tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ, đẩy 1,14 triệu người đến bờ vực của nạn đói.
Giám đốc Beasley cho hay: “Tôi đã gặp những phụ nữ và trẻ em phải chiến đấu với thần chết để giữ lấy mạng sống, họ đi bộ hàng giờ đồng hồ để đến điểm phân phát lương thực của chúng tôi. Người dân đang chết vì đói, điều này không phải do chiến tranh hay xung đột, mà là do biến đổi khí hậu. Đây là khu vực không “đóng góp” gì dẫn đến biến đổi khí hậu, nhưng người dân ở đây đang là những người phải trả cái giá đắt nhất”.
WFP uớc tính có khoảng 14.000 người đang trong tình trạng vô cùng thảm khốc, con số này dự đoán sẽ tăng gấp 2 vào tháng 10. WFP thông tin rằng, hàng nghìn người ở miền Nam Madagascar đã phải rời bỏ nhà cửa để tìm kiếm thức ăn, những người ở lại thì phải sống nhờ vào cỏ dại, những quả xương rồng đỏ và cào cào trong nhiều tháng nay.
Trước đó, WFP báo cáo có 41 triệu người ở 43 quốc gia hiện đang đứng trên bờ vực của nạn đói và sẽ cần khoảng 6 tỉ USD để cung cấp thực phẩm và hỗ trợ dinh dưỡng cho 139 triệu người trong năm nay. Theo Liên Hợp Quốc, đây chính là hoạt động lớn nhất trong lịch sử của tổ chức.