Tầng ozone phía trên Bắc Cực đang bị đe dọa bởi khí nhà kính do con người tạo ra bất chấp lệnh cấm đối với các hóa chất làm suy giảm tầng ozone hơn một thập kỷ trước.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học từ Đại học Maryland ở Mỹ đã phát hiện ra rằng khí quyển ở Bắc Cực đang trở nên thường xuyên có nhiệt độ cực thấp do biến đổi khí hậu.
Nhiệt độ cực thấp đó đang gây ra phản ứng giữa các hóa chất mà con người đưa vào không khí trước lệnh cấm toàn cầu năm 2010. Lệnh cấm này nhằm vào việc sản xuất các hóa chất được gọi là chlorofluorocarbons (CFC) và halogen – đã được chứng minh là làm suy giảm tầng ozone.
Phản ứng nêu trên dẫn đến sự suy giảm sâu hơn của tầng ozone và các hóa chất có thể phải mất tới 100 năm để thoát khỏi bầu khí quyển.
Dữ liệu mới tiết lộ rằng nhiệt độ vùng xoáy cực Bắc Cực năm 2020 là thấp nhất và tổn thất tầng ozone cao nhất, đánh bại kỷ lục trước đó vào năm 2011. Xoáy cực là một hệ thống áp suất thấp tương đối khép kín, hình thành trong tầng bình lưu. Mô hình nhiệt độ ở xoáy cực rất không đều, vì vậy không phải mùa đông nào cũng cực lạnh.
Các nhà nghiên cứu lo ngại nhiệt độ trong xoáy cực đang có xu hướng cực thấp thường xuyên hơn và khắc nghiệt hơn. Điều kiện đó thúc đẩy sự hình thành của các đám mây và thúc đẩy việc mất tầng ozone trong tầng bình lưu ở cực.
Hầu hết clo và một lượng đáng kể brom trong tầng bình lưu là do sự phân hủy của CFC, halogen và các chất làm suy giảm tầng ozone khác. Thông thường clo không phản ứng trong vòng xoáy cực Bắc Cực, nhưng các đám mây tạo điều kiện thích hợp để clo thay đổi trạng thái, dẫn đến phản ứng với brôm và ánh sáng mặt trời để phá hủy ozone.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, clo và brom trong khí quyển do con người tạo ra dự kiến sẽ không giảm xuống dưới 50% cho đến năm 2100.
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng đã có sự gia tăng nhanh chóng của khí metal trong những năm gần đây, metal là một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn carbon dioxide trong tầng khí quyển thấp hơn.
Nghiên cứu này một lần nữa khẳng định việc giảm đáng kể lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính trong những thập kỷ tới là cần thiết để tránh được sự suy giảm tầng ozone trong tương lai.