Ông Ricardo Salles thông báo từ chức hôm 23/6, hơn một tháng sau khi Tòa án Tối cao Brazil yêu cầu mở cuộc điều tra về sự liên quan của vị bộ trưởng trong các phi vụ buôn lậu gỗ.
Trong cuộc họp báo tại dinh tổng thống hôm 23/6, ông Ricardo Salles cho biết: “Tôi đã trình đơn từ chức lên tổng thống và được ông ấy chấp thuận”, theo AFP.
Cựu bộ trưởng 46 tuổi nói rằng trong quá trình công tác, ông đã nỗ lực tìm cách cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, nhất là yêu cầu hành động đối với nạn phá rừng ở khu vực Amazon của Brazil.
Sắp tới, ông Joaquim Alvaro Pereira Leite, thư ký hiện tại của bộ trưởng, sẽ thay thế ông Selles nắm quyền điều hành tạm thời Bộ Môi trường.
Hôm 19/5, Tòa án Tối cao Brazil ra lệnh mở cuộc điều tra về trách nhiệm liên quan của vị bộ trưởng cùng 10 quan chức hàng đầu của bộ trong việc hỗ trợ khai thác và vận chuyển trái phép gỗ sang Mỹ và châu Âu.
Ngoài ông Salles, những người này đều bị chính quyền Brazil đình chỉ công tác.
Ngay trong ngày ông Salles tuyên bố từ chức, cảnh sát Brazil khám xét nhà riêng và văn phòng, đồng thời tiếp cận tài khoản ngân hàng của ông Salles.
Vào tháng 4/2020, ông Salles từng phát biểu gây tranh cãi, khi tuyên bố chính phủ cần nới lỏng các quy định về môi trường, trong bối cảnh truyền thông đang tập trung vào Covid-19.
Đối với một số chuyên gia và nhà hoạt động, ông Salles thậm chí mở đường cho vấn nạn phá hủy môi trường ở Brazil, thay vì ra sức chống lại thực trạng đó.
AFP nhận định việc khai thác tài nguyên rừng ở Amazon được đẩy nhanh từ khi Tổng thống Jair Bolsonaro và ông Salles nhậm chức vào năm 2019. Ông Salles cũng là một trong những nhân vật gây chia rẽ nhất trong chính quyền Bolsonaro.
Theo số liệu của chính phủ, tại Brazil, nạn phá rừng ở Amazon đã tăng 85% trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Bolsonaro. Diện tích rừng bị phá hủy còn lớn hơn cả Puerto Rico.
Hồi tháng 5, con số này đạt mức kỷ lục, với khoảng 1.180 km2, tăng 41% so với năm 2020.
Rừng nhiệt đới Amzon có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, không chỉ đối với Brazil mà còn đối với cả thế giới.
“Brazil không thể tiếp tục để một người phụ trách Bộ Môi trường gây tổn hại nghiêm trọng cho đất nước”, nhóm hành động Greenpeace cho biết.
Dù vậy, “việc thay đổi bộ trưởng không đảm bảo rằng chính quyền Bolsonaro sẽ thay đổi chính sách hủy diệt môi trường hiện tại”, tổ chức này nhấn mạnh.