Nhà máy điện này dự kiến sẽ tạo ra 39 tỉ kilowatt giờ điện mỗi năm.
Theo SCMP, nhà máy thủy điện khổng lồ Ô Đông Đức của Trung Quốc đã bắt đầu phát điện từ tổ máy cuối cùng trong loạt 12 máy phát điện vào ngày 16.6. Sự kiện đánh dấu sự hoàn chỉnh của con đập thủy điện khổng lồ tốn kém và gây tranh cãi ở thượng nguồn sông Dương Tử.
Con đập chính thức hoạt động sau khi Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc, công ty nhà nước phụ trách dự án, hoàn thành 72 giờ thử nghiệm tổ máy phát thứ 12 tại nhà máy Ô Đông Đức. Điện do nhà máy này tạo ra đã được chuyển vào lưới điện miền nam Trung Quốc và sẽ được sử dụng để phát triển Khu vực Vịnh Đại Quảng Đông-Hồng Kông-Macao cùng các khu vực khác.
Dự án có tổng kinh phí 18,76 tỉ USD, được xây dựng gần ranh giới tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên trên sông Kim Sa, thượng nguồn sông Dương Tử. Nhà máy Ô Đông Đức có tổng công suất lắp đặt là 10,2 gigawatt và bắt đầu cung cấp điện vào năm ngoái.
Với bức tường cao 270 m, đập Ô Đông Đức là một trong những con đập cao nhất thế giới. Đây là con đập đầu tiên trên thế giới được xây dựng bằng xi măng nhiệt lượng thấp, được cho là có tác dụng giảm áp lực về nhiệt độ. Đập này thậm chí còn cao hơn bức tường 181 m của đập Tam Hiệp, cách đó 950 km về phía đông.
Nhà phân tích thị trường điện Wei Hanyang của Bloomberg New Energy Finance cho biết: “Con đập mới chủ yếu sẽ hỗ trợ tỉnh Quảng Đông và giúp giảm bớt các vấn đề thiếu điện gần đây nhằm tăng động lực phát triển kinh tế ven biển.
“Đập thủy điện Ô Đông Đức cũng là một trong số ít các đập lớn nằm gần các trung tâm kinh tế hơn. Điều này có nghĩa là trong tương lai, các nguồn năng lượng sạch khác sẽ cần được phát triển nếu Trung Quốc muốn tiếp tục với lượng khí thải carbon thấp hơn trong hỗn hợp năng lượng của họ”, ông Wei Hanyang khẳng định.
Dự án xây dựng nhà máy thủy điện Ô Đông Đức bắt đầu vào tháng 12.2015. Cuối tháng 6.2020, nhà máy này đã bắt đầu phát điện. Tính đến ngày 15.6, nhà máy đã sản xuất 24,5 tỉ kWh điện, tương đương với lượng điện được tạo ra từ 7,68 triệu tấn than. Lượng điện này đủ cho một thành phố 8,5 triệu dân sử dụng trong 8 tháng.
Nhà máy thủy điện Ô Đông Đức là dự án thủy điện lớn thứ 4 ở Trung Quốc và đứng thứ 7 trên thế giới. Nhà máy này dự kiến sản xuất 39 tỉ kWh điện mỗi năm, tương đương với việc giảm 12,2 triệu tấn than và hơn 30,5 triệu tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm. Chỉ riêng sản lượng một ngày của nhà máy cũng đủ đáp ứng nhu cầu năng lượng của 300.000 người trong một năm.
Ông Dương Tông Lập – Giám đốc dự án Ô Đông Đức thuộc Tổng công ty Tam Hiệp Trung Quốc cho biết nhà máy này sẽ góp phần vào mục tiêu trung hòa phát thải carbon của Trung Quốc vào năm 2060.
Mặc dù, các nhà bảo vệ môi trường cho rằng những con đập khổng lồ này đã gây ra những thiệt hại không thể khắc phục đối với môi trường vốn đã mỏng manh của khu vực. Vào năm 2015 trước khi bắt đầu xây dựng, các nhà địa chất và nhà khoa học nước đã lên tiếng lo ngại rằng việc xây dựng một con đập ở Ô Đông Đức dễ xảy ra rủi ro động đất và các con đập sẽ làm hỏng sinh thái của các dải phía dưới của sông Dương Tử.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc khẳng định bất kỳ khía cạnh tiêu cực nào cũng bị ảnh hưởng bởi lợi ích của nguồn điện sạch và kiểm soát lũ hiệu quả hơn. Đập Ô Đông Đức có tổng dung tích chứa là 7,4 tỉ mét khối, tương đương với gần 3 triệu bể bơi cỡ Olympic, được thiết kế để kiểm soát lũ lụt và giúp giao thông đường sông trở nên dễ dàng hơn. Lượng xả lũ tối đa của nó có thể đạt 37.000 mét khối một giây, đủ để lấp đầy Hồ Tây nổi tiếng của Hàng Châu chỉ trong 7 phút.
Ô Đông Đức cũng là đập đầu tiên trong chuỗi 4 đập dọc theo phần hạ lưu của Kim Sa, còn sông Dương Tử là nơi có đập Tam Hiệp, hiện là dự án thủy điện lớn nhất thế giới về công suất lắp đặt.
Năm ngoái, Tam Hiệp đã tạo ra 111,8 tỉ KWH điện, phá vỡ kỷ lục do đập Itaipu ở biên giới Brazil và Paraguay nắm giữ trước đó, theo hiệp hội thương mại quốc gia Hội đồng Điện lực Trung Quốc.