Theo bản Ðề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030, chỉ tiêu đến năm 2030, diện tích rừng 5 tỉnh Tây Nguyên được nâng lên 2,72 triệu ha, độ che phủ rừng là 49,2%.
Trên thực tế, theo những phản ánh gần đây của truyền thông báo chí, chỉ tiêu ấy khó mà đạt được do mức độ suy kiệt của rừng khu vực trọng yếu này đang ngày một nghiêm trọng.
Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra tỉnh Gia Lai, rừng ở tỉnh này đã “mất” 9.684 ha. Nguyên nhân chi tiết được nêu ra là tình trạng phá rừng làm rẫy, chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp, đổi rừng lấy những đại dự án. Sâu xa nhất là sự sai phạm của hàng loạt chủ rừng, ban quản lý rừng và tư duy ngắn hạn, thực dụng của chính quyền địa phương.
Sự việc tương tự xảy ra ở Lâm Đồng. Trong bối cảnh thị trường bất động sản không ngừng tăng nhiệt, hàng loạt vụ việc lấn chiếm rừng, hạ độc đồi thông đặc dụng đã xảy ra. Không xa trung tâm Đà Lạt đã có hiện tượng chủ đầu tư tự ý xây khách sạn, resort không phép, phóng đường bê-tông và phân lô rào đất một cách dễ dàng… Tình trạng phá rừng lấy gỗ ở các huyện Lâm Hà, Lạc Dương, Di Linh, Đam Rông, Bảo Lâm vẫn liên tiếp diễn ra. Việc xử lý các vụ lẻ tẻ không đủ sức răn đe.
Tại tỉnh Đắk Lắk, tình trạng phá rừng cũng diễn ra không kém nghiêm trọng. Đầu năm 2021, trong Hội nghị bảo vệ phát triển rừng năm 2021, phòng cảnh sát kinh tế và công an tỉnh này đưa ra con số chỉ trong năm 2020, họ đã tiếp nhận 248 vụ phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép, khởi tố 41/134 bị can. Trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ việc phá rừng tại chính Công ty Lâm nghiệp Ea Kar. Tại đây, theo cơ quan điều tra, đã có khoảng 28.000 m3 gỗ rừng bị đốn hạ, thiệt hại khoảng 29 tỉ đồng. Tại tỉnh Đắk Nông, cũng trong đầu năm nay, các vụ phá rừng phòng hộ diện tích lớn để xây khu nghỉ dưỡng, biệt thự ở ven hồ thủy điện Đắk R’Tih, TP Gia Nghĩa… cũng khiến dư luận bức xúc.
Riêng Kon Tum, con số mới nhất mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này đưa ra vào tháng 5 vừa qua cũng gây choáng váng người nghe không kém: chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021, tỉnh này có 80 vụ vi phạm lâm nghiệp, gây thiệt hại hơn 224 m3 gỗ với hơn 50 ha rừng. Chỉ riêng tháng 4-2021, tỉnh này có 30 vụ vi phạm lâm luật, 16 ha rừng bị phá.
Dù nhiều lý do chi tiết được nêu ra, nhưng nhìn chung bản chất sẽ dễ nhận thấy là năng lực yếu kém của chủ rừng, những người được khoán bảo vệ rừng và sự liêm chính của cơ quan kiểm lâm, tiêu cực của chính quyền địa phương.
Chừng nào sự tham nhũng còn diễn ra, việc đồng lõa đổi rừng lấy những quyền lợi ngắn hạn của các nhóm lợi ích địa phương thì những cánh rừng đại ngàn Tây Nguyên còn suy kiệt, vô phương cứu chữa.
Từ thực trạng phá rừng trên diện rộng địa bàn Tây Nguyên, câu hỏi đặt ra là cần xem lại các giải pháp triển khai của bản “Ðề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên” đã thực sự hiệu quả hay chưa? Cần một cơ chế giám sát chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn để rừng được bảo vệ thực sự chứ không chỉ trên giấy tờ hay khẩu hiệu.