Ngày càng nhiều nhà báo môi trường bị hành hung, bỏ tù hoặc bị giết hại trong thập kỷ qua, gây hậu quả và tâm lý nặng nề đối với nhà báo và giới báo chí.
Bà Meaghan Parker, Giám đốc điều hành Hiệp hội Nhà báo Môi trường (SEJ) cho biết trước đây, báo chí môi trường được hiểu là chỉ về động vật hoang dã hoặc ô nhiễm nhưng theo thời gian, thuật ngữ này đã mang một nghĩa rộng hơn. Các chủ đề mà các nhà báo đưa tin hiện nay bao gồm tất cả các tài nguyên thiết yếu của cuộc sống, chẳng hạn như thực phẩm, nước, không khí và năng lượng. “Chúng là môi trường và cũng bị ảnh hưởng bởi hoạt động của con người. Nếu không có những nguồn tài nguyên thiết yếu này, sẽ không có sự sống trên trái đất. Đó là lý do tại sao các nhà báo môi trường kể những câu chuyện quan trọng nhất của thế giới”.
Tuy nhiên, báo chí môi trường có thể là một nghề nguy hiểm. Cuối tháng 8/2020, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đã lên tiếng báo động về những hành vi lạm dụng đối với các nhà báo môi trường. Theo RSF, có ít nhất 20 nhà báo môi trường bị giết trong 10 năm qua và có tới 53 vụ vi phạm quyền tự do báo chí liên quan đến vấn đề môi trường được ghi nhận từ năm 2015. Các nguồn tin khác cũng cho biết có đến 40 nhà báo trên khắp thế giới đã chết từ năm 2005 tới tháng 9/2016 vì viết về vấn đề môi trường.
“Số nhà báo môi trường bị hành hung hoặc bị giết trong thập kỷ qua ngày càng tăng”, Eric Freedman, Giám đốc Trung tâm Hiệp sĩ về Báo chí môi trường tại Đại học Michigan và là tác giả của một nghiên cứu gần đây về vấn đề này cho biết.
Các vụ lạm dụng diễn ra khắp mọi nơi nhưng theo RSF, chúng đặc biệt phổ biến ở châu Á và châu Mỹ, chiếm 66% trong số các vụ được ghi nhận. Ấn Độ đứng đầu danh sách với 4 nhà báo bị giết và 4 nhà báo bị hành hung, tiếp theo là Colombia, Mexico, Phillipines và Myammar.
“Các tranh cãi về môi trường thường liên quan đến các lợi ích kinh doanh và kinh tế mạnh mẽ, các cuộc chiến chính trị, hoạt động tội phạm, lực lượng chống chính phủ hoặc tham nhũng”, Freedman giải thích khi bắt đầu nghiên cứu của mình. Các nhà báo điều ra những vấn đề này do đó có nhiều khả năng gặp nguy hiểm hơn những nhà báo trong lĩnh vực khác. Đơn cử như ở Ấn Độ, hầu hết các trường hợp nhà báo bị lạm dụng đều liên quan đến các tổ chức “mafia cát” tức mạng lưới tội phạm khai thác cát trái phép dưới lòng sông rồi bán cho lĩnh vực xây dựng.
Tuy nhiên, không phải tất cả các thủ phạm đều thuộc các tổ chức tội phạm. “Các nhà báo mà tôi đã phỏng vấn chỉ ra nhiều nhóm đối tượng đứng đằng sau các vụ hành hung, tấn công và bắt giữ như: các tập đoàn, cảnh sát, tội phạm, quân đội và cả những người dân địa phương nổi loạn”. Freedman tin rằng sự gia tăng bạo lực chống lại các nhà báo môi trường một phần là do các chính phủ “không sẵn lòng và không có khả năng ngăn chặn, trừng phạt những kẻ tấn công”, Freedman tiết lộ.
Điều đáng nói là bạo lực thể chất không phải là vũ khí duy nhất được sử dụng để bịt miệng các nhà báo. RSF lưu ý rằng “Luật phỉ báng thường có thể được sử dụng để khiếu kiện hoặc khởi kiện hình sự chống lại những nhà báo cố gắng vạch trần sự thật về tác động môi trường của các hoạt động phá hoại của các nhóm kinh doanh quyền lực”.
Bị bắt giữ và bị giam là những vi phạm quyền tự do báo chí phổ biến nhất mà các nhà báo môi trường phải đối mặt. Ví dụ ở Canada và ở Mỹ, hàng chục nhà báo đã bị bắt giữ từ năm 2016 đến năm 2020 khi đưa tin về các cuộc biểu tình phản đối việc xây dựng ống và một đập thủy điện lớn.
Không dừng lại ở đó, các nhà báo làm còn có thể bị “quấy rối liên tục trên mạng, đặc biệt là bị khiêu khích hoặc đánh cắp thông tin khi viết về các vấn đề như biến đổi khí hậu”, bà Parker cho biết.
Sự quấy rối và tấn công nhà báo môi trường để lại hậu quả rất nặng nề, cả về thể chất và tâm lý. Trong nghiên cứu của mình, Freedman mô tả tác động những cuộc tấn công đối với các phóng viên môi trường thông qua các cuộc phỏng vấn sâu với các nhà báo hiện tại và trước đây từng là mục tiêu bị nhắm đến của các nhóm đối tượng. Ông giải thích: “Các tác động tâm lý bao gồm trầm cảm, hậu chấn tâm lý và lạm dụng chất kích thích”. Hậu quả nghề nghiệp bao gồm mất việc làm hoặc bị giao việc tự do, khó tập trung vào công việc và gặp các vấn đề với cấp trên hoặc đồng nghiệp.
Mặc dù là nạn nhân nhưng các nhà báo thường ngại tìm kiếm sự giúp đỡ: “Các nhà báo thường nghĩ mình là nam nhi – bất kể giới tính – và kiên cường, có thể làm việc trong điều kiện khó khăn”, Freedman cho biết. Có thể quan sát hậu quả tâm lý và sự e ngại trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ này ở các nhà báo đưa tin từ các vùng chiến sự – những người cũng thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm và chấn thương, tuy nhiên, không giống với các nhà báo môi trường, họ dễ bị tấn công bởi bạo lực hơn, chẳng hạn như đánh bom. Họ không phải mục tiêu của các nhóm vì là nhà báo mà do họ đến sai nơi, sai thời điểm. Đây cũng là trường hợp của nhiều nhà báo đưa tin từ các vùng thiên tai.
Trước những mối hiểm nguy rình rập và bị đe dọa tính mạng, các chương trình tập huấn đã được thiết kế để giúp các nhà báo giảm thiểu rủi ro, trong đó có một số chương trình do SEJ phối hợp tổ chức.
“Năm 2019, SEJ tổ chức hội thảo giới thiệu về các mẹo để giữ an toàn trong các tình huống nguy hiểm, từ cháy rừng, bão đến khu vực xung đột, đồng thời hướng dẫn nhà báo tránh bị quấy rối trên mạng và cung cấp nguồn lực để đối phó với các sang chấn tâm lý”, bà Parker cho biết.
Theo Freedman, các buổi tập huấn này “có thể giúp nhà báo phần nào trong công tác chuẩn bị” nhưng chỉ như vậy thì không đủ. “Việc bảo vệ cần có sự răn đe, ngăn chặn mà điều này chỉ có thể đạt được khi các chính phủ, cơ quan chức năng cam kết truy tìm, truy tố và trừng phạt nghiêm khắc bất kỳ ai hành hung hoặc giết hại nhà báo”.
Sơn Thủy (Theo EJO)