Bác Hồ – vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, cũng chính là người sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, và là một nhà báo vĩ đại. Trong khoảng 50 năm cầm bút, Bác là tác giả của hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký. Bác sử dụng gần 200 bút danh. Mỗi con chữ, bài viết của Bác là một lời hiệu triệu, truyền bá lý tưởng Cộng sản và con đường giải phóng dân tộc.
Trong cuộc đời làm báo của mình, Bác Hồ đã để lại nhiều bài học quý giá về nghề báo và kỹ năng làm báo. Học Bác làm báo là học làm cách mạng, là học làm nghề chuyên nghiệp. Những kinh nghiệm quý giá trong cuộc đời làm báo của Người chính là những bài học lớn để các thế hệ người làm báo Việt Nam noi theo.
Bác Hồ bắt đầu sự nghiệp cách mạng của mình bằng làm báo. Trong hành trình đi tìm đường cứu nước, Người đã học cách làm báo. Bác coi báo chí là công cụ sắc bén để phò chính trừ tà. Người viết báo là để phục vụ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và nhân loại. Người sử dụng báo chí để làm công cụ giác ngộ và thức tỉnh. Bác vừa là người sáng lập, lãnh đạo, phóng viên… của nhiều tờ báo. Dưới ngòi bút sắc bén của mình, Người đã vạch trần tội ác của bọn xâm lược tại các thuộc địa; đồng thời Người dùng các tờ báo làm công cụ tuyên truyền con đường cách mạng giải phóng dân tộc.
Ngày 21-6-1925, Bác Hồ sáng lập ra tờ báo Thanh Niên tại Quảng Châu, Trung Quốc. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là vũ khí sắc bén để Người tuyên truyền, giác ngộ và giáo dục quần chúng. Tờ báo là cầu nối ánh sáng tư tưởng cách mạng của Bác với dân tộc, góp phần to lớn cho sự nghiệp giải phóng đất nước.
Trong khoảng 50 năm cầm bút, Bác là tác giả của hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký. Bác sử dụng gần 200 bút danh. Mỗi con chữ, bài viết của Bác là một lời hiệu triệu, truyền bá lý tưởng Cộng sản và con đường giải phóng dân tộc. Trong cuộc đời làm báo của mình, Bác Hồ đã để lại nhiều bài học quý giá về nghề báo và kỹ năng làm báo. Những kinh nghiệm quý giá trong cuộc đời làm báo của Người đã để lại cho các thế hệ người làm báo Việt Nam những bài học quý giá. Học Bác Hồ làm báo là học Bác làm cách mạng. Học Bác làm báo là học làm nghề báo chuyên nghiệp. Từ hai góc độ tiếp cận với những phân tích bằng thực tiễn hoạt động báo chí ở Việt Nam hiện nay chứng minh rằng, những bài học quý giá của Người về nghề báo và làm báo càng có giá trị thời đại. Người là niềm tin tất thắng.
1. Học Bác làm báo là học làm cách mạng
Làm báo là làm cách mạng – đó là quan điểm của Bác Hồ. Bởi theo Người, báo chí cách mạng là một mặt trận chiến đấu của cách mạng. Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Theo Bác, bài báo là tờ hịch cách mạng. Đã là nhà báo, chiến sĩ cách mạng, bất cứ người cầm bút nào trên mặt trận báo chí cách mạng phải hiểu rõ mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng là gì? Từng giai đoạn lịch sử đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ khác nhau. Khi đất nước còn trong vòng nô lệ phải làm thức tỉnh và động viên nhân dân đứng lên làm cách mạng đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân. Khi có chính quyền thì động viên sức mạnh toàn dân tộc giữ gìn chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng, tiến hành các cuộc kháng chiến chống xâm lược, giành độc lập thống nhất đất nước, đưa đất nước tiến lên một giai đoạn phát triển mới.
Bác cho rằng, nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của báo chí đòi hỏi người làm báo phải có đủ phẩm chất của người cán bộ cách mạng, không quản ngại gian khó, hy sinh, kể cả tính mạng, vì nhân dân phục vụ. Người làm báo phải dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí sắc bén chiến đấu cho mục đích vẻ vang của cách mạng, chứ không phải làm báo để lưu danh thiên cổ, muốn viết cho ai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn.
Bác khuyên dạy các nhà báo, để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu thực tế, đi sâu quần chúng lao động.
Bác là người vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin về bản chất của báo chí cách mạng. Theo Người, báo chí cách mạng, ngoài tính chiến đấu, tính khoa học, tính giai cấp, tính chân thực, khách quan, còn phải thể hiện một cách đơn giản, dễ hiểu, đại chúng, sinh động để báo chí làm tròn nhiệm vụ tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức và giáo dục tập thể.
Học Bác làm báo là chúng ta học Người làm cách mạng. Mỗi nhà báo phải luôn ý thức được báo chí phục vụ lợi ích của xã hội, phục vụ nhân dân. Mỗi sản phẩm báo chí đến được với mỗi công chúng, đáp ứng được nhu cầu của họ; đồng thời làm thế nào để công chúng tự nguyện, tự giác đến với báo chí, đó là nguyên lý của báo chí cách mạng.
2. Học Bác làm báo là học làm nghề báo chuyên nghiệp
Gần đây, chúng ta bàn nhiều về tính chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí. Có nhiều cách tiếp cận về tính chuyên nghiệp trong nghề báo, nhưng qua những lời huấn thị của Bác Hồ về nghề, chúng ta có thể hiểu rằng, nếu học một cách nghiêm túc những lời răn dạy của Người, đó cũng là chúng ta đã thể hiện được tính chuyên nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp báo chí.
Theo Bác, có 5 vấn đề mà người làm báo cần phải quan tâm và nếu thực hiện tốt thì hoạt động báo chí sẽ đem lại hiệu quả, chuyên nghiệp. Cụ thể như sau:
Một là, người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Đây chính là một trong những tiêu chuẩn của một người làm báo chuyên nghiệp. Bác Hồ cho rằng: “Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc làm khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng” (Bài phát biểu tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16-4-1959). Bác khẳng định, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản.
Theo Bác, Hội Nhà báo là một tổ chức chính trị và nghiệp vụ. Nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội Nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng.
Hai là, người làm báo phải có kiến thức, am hiểu sâu rộng về mọi mặt của đời sống xã hội. Có kiến thức sâu rộng để người làm báo chinh phục được thực tiễn, tạo ra những tác phẩm, sản phẩm báo chí sâu sắc, có giá trị. Trong Thư gửi lớp viết báo đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng tổ chức tháng 5-1949 tại Việt Bắc, Bác Hồ căn dặn: “Muốn viết báo khá cần: 1. Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực; 2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài mà học kinh nghiệm của người; 3. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu; 4. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ…”.
Bác đã chia sẻ kinh nghiệm làm báo của mình, đó là mỗi khi viết một bài báo, thì đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm. 4 câu hỏi đặt ra cho người làm báo mà Bác Hồ răn dạy rất thiết thực, bổ ích và luôn mang tính thời sự, đó là:
1. Viết cái gì? Viết những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của bạn bè ta. Đồng thời để phê bình khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, nhân dân, bộ đội.
2. Viết cho ai? Viết cho công – nông – binh, viết cho mọi tầng lớp người Việt Nam, không phân biệt già trẻ, nam nữ, tôn giáo, đảng phái.
3. Viết để làm gì? Viết để tuyên truyền, để giác ngộ, để đoàn kết, để thức tỉnh quần chúng.
4. Viết như thế nào? Viết phải gọn gàng, sáng sủa, mạch lạc, có đầu có đuôi, có nội dung.
4 lời dạy trên của Bác luôn đúng, bởi một nhà báo khi sáng tạo tác phẩm, làm ra sản phẩm báo chí mà không biết cần phải viết những gì, viết cho ai đọc, viết để làm gì, viết như thế nào?, thì chưa được coi đó là một nhà báo chuyên nghiệp.
Ba là, báo chí phải thông tin chân thật, khách quan. Bác cho rằng, người làm báo phải tôn trọng sự thực, có nói sự thật thì tuyên truyền mới có người nghe. Báo chí không nên bắt chước những nước tuyên truyền tin chiến tranh quá sai lạc sự thực.
Bác khẳng định, báo chí của chúng ta có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới. Địch rất chú ý, bạn rất quan tâm đến báo chí của ta. Cho nên, làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, nội dung và cách viết.
Bốn là, báo chí sử dụng ngôn ngữ trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Trong cuộc đời làm báo của mình, Người rất quan tâm đến vấn đề này. Bác khuyên, mỗi bài báo cần phải viết ngắn gọn, ngôn ngữ trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Viết ngắn không có nghĩa là cộc lốc mà ngắn gọn là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn. Còn muốn viết được “trong sáng, giản dị, dễ hiểu”, trước hết nhà báo phải học cách nói của quần chúng. Phải thực sự học quần chúng để có cách viết được quần chúng chấp nhận như những gì của chính họ.
Bác là người am hiểu về sức mạnh của ngôn từ. Người nói, tờ báo chỉ là giấy trắng, mực đen mà thôi. Nhưng, với tờ giấy trắng, mực đen ấy, người ta có thể viết những tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương. Người rất chú trọng cách viết. Người cẩn trọng ngay đến cách dùng một từ nhỏ, một dấu chấm câu, cách bố cục một bài viết. Người dùng rất ít chữ mà là những chữ đúng nhất, cần thiết nhất, để một viện sĩ hàn lâm đến người nông dân đều có thể hiểu được.
Năm là, cần nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm báo chí. Bác huấn thị, cần nâng cao hơn nữa chất lượng của báo chí để báo chí làm tròn nhiệm vụ cao cả của nó, đó là nhiệm vụ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Bác chỉ ra rằng, các báo thường có ảnh và tranh vẽ. Đó là một tiến bộ, nhưng ảnh thì thường lèm nhèm, vẽ thì chưa khéo lắm. Cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Những lời huấn thị của Bác về nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí luôn đúng và có ý nghĩa thiết thực đối với những người làm báo ngày hôm nay. Những người làm báo hôm nay cần nêu cao tấm gương làm báo tận tụy của Bác và quyết tâm học tập, rèn luyện để tạo ra những sản phẩm báo chí thực sự có chất lượng cao.
Không chỉ là một nhà cách mạng kiệt xuất, suốt cả cuộc đời, Bác Hồ là một nhà báo, là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. Chúng ta học Bác làm báo là học làm cách mạng. Học Bác làm báo là để học làm nghề chuyên nghiệp. Những lời dạy của Người về báo chí và nghề báo luôn là những bài học quý báu, có giá trị soi rọi vào thực tiễn hoạt động báo chí ở Việt Nam hiện nay.
Trong đời sống báo chí hiện đại hôm nay, đòi hỏi ở các nhà báo những trọng trách, nhiệm vụ vẻ vang, cao cả, nhưng nặng nề. Nghề báo hiện đại đặt ra nhiều yêu cầu, kỹ năng tác nghiệp mới, nhưng những gì mà chúng ta học được từ Bác kính yêu về nghề báo thực sự là hành trang quý giá để các nhà báo ngày càng vững bước trên con đường tới đích chuyên nghiệp.
———————————–
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh toàn tập, T4, Nxb. CTQG, H.,2002.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, T7, Nxb. CTQG, H.,2002.
3. Hồ Chí Minh toàn tập, T9, Nxb. CTQG, H.,2002.
4. Hồ Chí Minh toàn tập, T10, Nxb. CTQG, H.,2002.
5. Lê Văn Phong, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sáng, một nhà báo vĩ đại của nền báo chí cách mạng Việt Nam, www.vanhoanghean.com.vn
PGS.TS Hà Huy Phượng, Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền