Chi phí năng lượng cao hơn cũng sẽ làm tăng thêm áp lực lạm phát trong nền kinh tế toàn cầu.
Nguy cơ mất điện khi mùa hè đến gần
Theo Bloomberg, 2 bang Texas và California đang đứng trước nguy cơ mất điện khi một đợt nắng nóng gay gắt bao trùm các thành phố phía tây nước Mỹ. Trong khi đó, các vùng trung tâm công nghiệp của Trung Quốc cũng đang hạn chế sử dụng điện. Vào thời điểm này trong năm, giá điện ở châu Âu cũng cao hơn nhiều so với bình thường. Hạn hán đang làm cạn kiệt các hồ chứa từ Brazil đến Đài Loan.
Đó là tương lai của sự gia tăng nhiệt độ và cuộc chiến leo thang để duy trì điện năng. Đối với hàng triệu hộ gia đình và doanh nghiệp trên khắp thế giới, mùa hè năm nay sẽ nóng bức kéo dài với các hóa đơn điện cao hơn, phân bổ theo định kỳ và trong trường hợp xấu nhất là mất điện. Chi phí năng lượng cao hơn cũng sẽ làm tăng thêm áp lực lạm phát trong nền kinh tế toàn cầu.
Thời tiết khắc nghiệt, ngay cả trước khi bắt đầu mùa bão, làm nổi bật tác động thực tế của biến đổi khí hậu. Nhiệt độ cao hơn thúc đẩy việc sử dụng năng lượng khi mọi người bật điều hòa, nhưng các hệ thống điện, đặc biệt là những hệ thống điện đang cố gắng chuyển đổi khỏi than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác, thường dễ bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn về nhu cầu.
Giám đốc nghiên cứu tài chính năng lượng Tim Buckley tại Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng cho biết: “Biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt thường xuyên hơn, vì vậy chúng ta cần đầu tư nhiều hơn vào lưới điện để bảo vệ chúng ta khỏi điều đó”.
Ở Mỹ, phần lớn quốc gia đang chuẩn bị cho tình trạng mất điện vào mùa hè này khi nhiệt độ tăng từ New England đến California.
Mạng lưới điện của California đang đối mặt với nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, khi nhiệt độ được dự báo sẽ vượt quá 43 độ C trong tuần này. Điều này làm gia tăng lo ngại về phần tiếp theo của sự cố mất điện kéo dài khiến các khu vực của bang trở nên u ám như hồi tháng 8 năm ngoái.
Nhà điều hành lưới điện Texas đã yêu cầu khách hàng cắt giảm việc sử dụng điện trong tuần này do đợt nắng nóng bao trùm khu vực. Yêu cầu này được đưa ra chỉ 4 tháng sau cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa đông đã khiến phần lớn bang này chìm trong bóng tối và gây nên cái chết của hơn 150 người.
Các nhà lập pháp Texas đã tranh luận về việc đại tu lưới điện của bang sau sự cố mất điện gây chết người vào tháng 2, nhưng các nhà phê bình nói rằng các biện pháp này không giải quyết được các vấn đề cơ bản. Trong khi các luật mới buộc các nhà máy phải chuẩn bị tốt hơn cho cái lạnh, họ không làm gì để đảm bảo nhà nước luôn có đủ công suất phát điện.
Nhà phân tích Katie Bays tại FiscalNote Markets cho biết: “Thời tiết có nhiều biến động. Vì vậy, các mô hình chúng tôi đã sử dụng để thiết kế hệ thống điện kém chính xác hơn và không đủ đảm bảo rằng có đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu”.
Phục hồi kinh tế
Thời tiết chỉ là một phần của vấn đề. Tình hình đang trở nên trầm trọng hơn khi các nền kinh tế quay trở lại sau đại dịch. Nhu cầu điện, vốn đã giảm xuống khi đại dịch khiến các thành phố từ Bắc Kinh đến Frankfurt đóng cửa, đang tăng lên cùng với sự trở lại văn phòng và nhà máy của người lao động.
Một số khu vực ở châu Âu đang chứng kiến nhu cầu tăng trở lại mức trước đại dịch. Với lượng khí tồn kho thấp, các công ty thủy điện đã chuyển sang đốt nhiều than hơn mặc dù giá nhiên liệu tăng cao và chi phí mua giấy phép carbon khiến nó trở thành một lựa chọn đắt đỏ. Điều đó có nghĩa là giá điện ở một số nước EU cao hơn bình thường vào thời điểm này trong năm. Dự kiến chi phí điện ở Đức đã đạt mức kỷ lục trong tháng 7.
Tại Trung Quốc, mức tiêu thụ điện tăng 15% trong suốt tháng 5 so với năm ngoái. Điều đó dẫn đến tình trạng thiếu điện, với 4 tỉnh lớn nhất của Trung Quốc dự đoán rằng họ sẽ thiếu nguồn điện cao điểm vào mùa hè này.
Các yếu tố khác đang đè nặng lên nguồn cung, khi hạn hán làm giảm khả năng cung cấp của thủy điện và các nhà máy chạy không tải ảnh hưởng đến lĩnh vực điện hạt nhân. Nhật đang kỳ vọng nguồn cung điện khan hiếm nhất trong vài năm và chính phủ đã yêu cầu các công ty dịch vụ tiện ích dự trữ nguồn cung cấp nhiên liệu và người tiêu dùng tiết kiệm điện.
Giá năng lượng đang tăng vọt trên toàn cầu trong bối cảnh tranh giành nguồn cung. Tại Trung Quốc, giá than đã tăng lên mức kỷ lục do sản lượng khai thác giảm trong bối cảnh chiến dịch an toàn do chính phủ dẫn đầu. Cùng với đó, lệnh cấm không chính thức đối với than của Úc đã khiến nước này không đủ đáp ứng nhu cầu tăng cao sau đại dịch, khiến các nhà máy phát điện khó có thể tăng sản lượng nhiệt điện.
Nhiệt độ quá lạnh trong mùa đông vừa qua cũng góp phần vào vấn đề nguồn cung. Ở châu Âu, mùa đông kéo dài hơn bình thường đã khiến các kho xăng cạn kiệt.
Ở Trung Đông, nơi phụ tải điện tăng gần gấp đôi vào mùa hè so với mùa đông, Kuwait đã đạt mức tiêu thụ kỷ lục, buộc nước này phải đốt hàng trăm nghìn thùng dầu mỗi ngày. Iran, quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng mất điện từ tháng 5, đã cấm khai thác Bitcoin.
Trên thế giới, các nhà phát triển năng lượng đang thay thế các nhà máy điện than và khí đốt phát thải khí nhà kính bằng các trang trại năng lượng mặt trời và gió. Nhưng không phải lúc nào họ cũng bổ sung đủ pin hoặc giữ đủ nguồn dự phòng để hỗ trợ những nguồn năng lượng sạch đó khi mặt trời lặn hoặc gió ngừng thổi.
Trong khi đó, thủy điện cũng phụ thuộc vào thời tiết. Một khi hạn hán xảy ra, mực nước tại các hồ chứa trọng điểm đã xuống mức thấp. Các chuyên gia dự đoán rằng nguy cơ cháy rừng sẽ tăng trong năm nay, đe dọa đường dây tải điện. Hồ chứa của Đập Hoover, Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1937.
Tình trạng mất điện đã ập đến Đài Loan, quê hương của nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, khi nơi đây phải vật lộn với tình trạng thiếu nước tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Theo Giám đốc chương trình năng lượng Tony Wood của Viện Grattan có trụ sở tại Úc, “Khí hậu thay đổi đang tác động cơ bản đến bản chất vật lý của hệ thống điện toàn cầu”.