Cảnh báo về đại dịch mới chờ sau “cánh gà”

Các chuyên gia nhận định việc hiểu được mối liên hệ giữa con người, động vật và môi trường tự nhiên là chìa khóa quan trọng để có kế hoạch đối phó các đại dịch trong tương lai.

Vào cuối năm 2019, giáo sư Stuart Turville, nhà virus học của Viện Kirby, Australia đã nghĩ đến việc tìm kiếm công việc khác.

“Các khoản tài trợ cho nghiên cứu không đủ để đảm bảo cuộc sống”, ông cho biết.

Tuy nhiên, trước khi ông từ bỏ, đại dịch Covid-19 đã ập đến. Hiện giáo sư Stuart Turville điều hành phòng thí nghiệm tại Đại học New South Wales, nơi loại virus gây ra đại dịch khiến hàng triệu người mất mạng được nghiên cứu, Guardian đưa tin.

Ông và các đồng nghiệp của mình đã làm việc nhiều giờ để phân tích hàng trăm mẫu virus từ khắp nơi trên thế giới, nghiên cứu các biến thể cũng như phương pháp điều trị bệnh.

Giờ đây, các khoản tài trợ cho việc nghiên cứu đã được đảm bảo. Nghĩ lại khoảng thời gian khó khăn trước khi đại dịch xảy đến, giáo sư Turville trích dẫn lại lời từ bộ phim giả tưởng “Nanny McPhee” (2005).

“Khi bạn cần tôi, nhưng không muốn tôi, tôi vẫn sẽ ở lại”, ông Turville nói.

“Tôi sẽ nói điều đó với mọi nhà virus học mà tôi hướng dẫn. Nếu họ gặp khó khăn trong việc huy động vốn, tôi sẽ khuyên họ hãy kiên nhẫn. Một ngày nào đó, họ sẽ là những người quan trọng nhất”.

Các nhà khoa học đang làm việc trong phòng thí nghiệm. Ảnh: AP.

Sẽ có thêm nhiều đại dịch mới

Ông Turville cho biết khó có thể dự đoán được ngày đó đến lúc nào, nhưng có một điều chắc chắn được các nhà virus học và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đều đồng ý: Đó là thế giới sẽ đối mặt thêm nhiều đại dịch nữa.

Và việc chúng đến từ đâu, mức độ nghiêm trọng ra sao phụ thuộc vào tác động của con người với môi trường, ông Turville nói.

Lịch sử cho thấy rằng những tiến bộ trong khoa học công nghệ giống như con dao hai lưỡi. Một mặt, chúng giúp cải thiện khả năng ứng phó với đại dịch, mặt khác chúng là những yếu tố dẫn đến sự xuất hiện và lây lan của dịch bệnh.

Ông Turville lấy căn bệnh HIV làm ví dụ. Người ta cho rằng rằng HIV xâm nhập vào quần thể người từ các loài linh trưởng gần Kinshasa, nay là thủ đô của Cộng hòa dân chủ Congo, khoảng đầu những năm 1900. Tuy nhiên, đến 80 năm sau, nó mới lan rộng ra nhiều nơi cùng với sự phát triển của mạng lưới giao thông.

“Sự phát triển tại khu vực Kinshasa đã dẫn đến sự hình thành các cơ sở hạ tầng – con đường virus di chuyển”, giáo sư Turville nhận định.

“Virus đã đến các bến cảng và sau đó tới các thành phố lớn. Con đường lây lan của virus được thúc đẩy bởi các hoạt động kinh tế của con người”.

Bên cạnh đó, ông Turville cho hay tác động của con người đến môi trường sống cũng là nguyên nhân hình thành một số loại virus.

Chẳng hạn, virus Nipah được xác định từ dơi ăn quả, gây ra bệnh viêm não ở người, bắt nguồn từ các hoạt động nông nghiệp thâm canh và biến đổi khí hậu.

Môi trường sống bị phá hủy và sự xâm lấn của con người vào các khu vực trước đây bị cô lập đã khiến cho những loài động vật như dơi, mang theo mầm bệnh, tìm kiếm nơi ở mới và xâm nhập vào xã hội con người.

Hiện khoảng 3/4 các bệnh do virus mới gây ra trong hai thập kỷ qua là bệnh lây truyền từ động vật, chủ yếu là dơi, động vật gặm nhấm hoặc chim.

Giáo sư Dominic Dwyer, nhà virus học thuộc nhóm điều tra Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng đồng tình với nhận định này.

Ông đang nghiên cứu để chuẩn bị ứng phó tốt hơn khi đại dịch tiếp theo xảy ra, nhằm giảm thiểu tối đa mất mát mà nhân loại phải hứng chịu.

Phần quan trọng trong việc lập kế hoạch đối phó dịch bệnh là hiểu về mối liên kết giữa con người với động vật và môi trường sống.

“Các loại virus đã xuất hiện trong 50 năm qua đều đến từ động vật hoặc môi trường tự nhiên. Vì vậy, việc tìm hiểu mối liên hệ, mạng lưới, giữa những yếu tố đó và con người là rất quan trọng”, ông nói.

Virus Nipah đã gây ra tỷ lệ tử vong 70% trong các đợt bùng phát trước đây. Ảnh: Reuters.

Virus Nipah đã gây ra tỷ lệ tử vong 70% trong các đợt bùng phát trước đây. Ảnh: Reuters.
“Kế hoạch chuẩn bị sẽ xem xét mọi thứ, từ nhân khẩu học, các khu vực dân cư đông đúc, môi trường chăm sóc sức khỏe cho đến ảnh hưởng biến đổi khí hậu”, ông Dwyer cho biết.

“Các hoạt động của con người cũng nằm trong số đó, bao gồm cách chúng ta khai thác, sử dụng đất và đối xử với động vật hoang dã, cách buôn bán, trồng trọt và du lịch. Tất cả những điều đó đều có thể tác động đến sự bùng phát và phát triển một đại dịch”.

Virus đang chờ sau “cánh gà”

Bài báo với tiêu đề “Chuẩn bị cho các loại virus gây bệnh mới từ động vật” trên Elsevier cho biết nhiều chuyên gia đã cảnh báo về đại dịch như Covid-19 trong nhiều năm và thường gọi nó là “bệnh X”.

“Kịch bản về căn bệnh X mà các nhà khoa học cảnh báo đã trở thành sự thật”, bài báo viết. “Và các khoản đầu tư trước đây vào giám sát, nghiên cứu kỹ thuật, phòng thí nghiệm mới, chia sẻ dữ liệu mở và nền tảng vaccine đã được đền đáp”.

Giáo sư Dwyer nhận định những tiến bộ khoa học công nghệ này, cùng việc chia sẻ dữ liệu nhanh hơn giữa các chính phủ sẽ giúp con người có lợi thế hơn trong việc kiểm soát một đại dịch trong tương lai.

Kể từ sau đợt bùng phát dịch SARS, hội chứng hô hấp cấp tính nặng, gần như tất cả các quốc gia đã đồng ý báo cáo WHO và thế giới khi ghi nhận loại virus mới.

Sự hợp tác giữa các quốc gia nhằm đảm bảo những phát hiện mới được báo cáo nhanh chóng và kịp thời sẽ đóng vai trò quan trọng để ngăn chặn trước khi dịch bệnh trở nên nghiêm trọng.

“Tôi nghĩ rằng trong đại dịch tới, chúng ta sẽ ở trong một hoàn cảnh tốt hơn. Việc phát triển các xét nghiệm và tìm ra bộ gen virus nhanh chóng có thể giúp kiểm soát dịch bệnh”, ông Dwyer nói.

Các binh lính thuộc các đơn vị binh chủng hóa học tham gia cuộc diễn tập nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Covid-19 tại Đài Loan. Ảnh: AFP.

Hiện các quốc gia, bao gồm cả Australia, đã bắt đầu chú ý hơn vào việc nghiên cứu các bệnh truyền nghiệm và nâng cấp hệ thống y tế công.

“Có những con virus đang chờ đợi sẵn trong ‘cánh gà’ ngoài kia. Đại dịch tiếp theo có thể đến từ một loại virus sẵn có trong động vật với khả năng lây lan và đột biến cao. Nó sẽ đặc biệt nguy hiểm nếu không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng”, Giáo sư Cassandra Berry, nhà nghiên cứu về miễn dịch học virus từ Đại học Murdoch, cho biết.

“Vì vậy, chúng ta cần kinh phí đầu tư ngay bây giờ cho các nhà nghiên cứu để sẵn sàng chuẩn bị”.

Nguồn: