Tính riêng vụ Đông Xuân năm 2020 tại Hà Nội, tổng lượng bụi thải do hoạt động đốt rơm rạ ở các huyện là gần 350 tấn, cùng hơn 23.000 tấn CO2 vào thải không khí.
Những con số phát thải do hoạt động đốt rơm rạ
Vào những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6 – thời điểm nông dân Hà Nội đang thu hoạch vụ Đông Xuân – vụ lúa chính trong năm, dọc một số tuyến đường thuộc quốc lộ 32 hay các khu vực tập trung sản xuất lúa tại Chương Mỹ, Thanh Oai… có những đám khói bốc lên từ cánh đồng mới gặt bên đường. Đó là do nhiều nông dân đã đốt rơm rạ tại ruộng, vừa nhanh vừa không tốn công để nhanh chóng giải phóng đất và gieo cấy vụ mùa tiếp sau.
Việc đốt mở rơm rạ ngoài đồng ruộng sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí, an toàn giao thông và sức khỏe cộng đồng. Đốt rơm rạ đã được xác định là một trong 12 nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại Hà Nội, theo thống kê của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội. Quá trình đốt rơm rạ sản sinh ra nhiều chất gây ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người như CO, SO2, NOx, NH3, HC, bụi PM10, bụi PM2,5… Ảnh hưởng trực tiếp của các chất này là làm cay mắt, chảy nước mắt, ho, hắt hơi, thậm chí là buồn nôn, khó thở. Hít các loại khí này trong thời gian dài sẽ tăng nguy cơ nhiễm các bệnh hô hấp và tim mạch.
Theo số liệu từ kết quả từ nghiên cứu Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) phối hợp với nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên: Vụ Đông Xuân năm 2020, tổng sản lượng lúa là 427.713 tấn, lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng là 384.505 tấn và tỉ lệ rơm rạ bị đốt ngoài đồng ruộng trong vụ Đông Xuân ở Hà Nội năm 2020 trung bình là 20%. Tổng lượng bụi thải ra là gần 350 tấn bụi PM10 và PM2,5 cùng hơn 23.000 tấn CO2 vào không khí.
Xử lý nghiêm việc đốt rơm rạ không đúng quy định, gây ô nhiễm
Trước tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch như rơm rạ ở các vùng nông thôn gây ô nhiễm môi trường không khí tại thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố yêu cầu các cơ quan hữu quan kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng này.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát Môi trường, chính quyền cơ sở cấp quận, huyện, phường, xã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch không đúng quy định. Bên cạnh đó, chỉ đạo thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện chở đất đá, vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không che chắn, gây ô nhiễm môi trường. Quy trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở nếu để xảy ra tình trạng đốt chất thải, chất thải rắn sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp, vận chuyển vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.