Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.
Bộ Công Thương cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC số 67/2020/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022. Để triển khai thi hành kịp thời, toàn diện, thống nhất và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý VPHC (ban hành kèm theo Quyết định số 126/QĐ-TTg). Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí. Cụ thể là 4 Nghị định sau:
Nghị định số 71/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp;
Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 13/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26/10/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.
Sau một thời gian triển khai thi hành các nghị định nêu trên đã nảy sinh một số vấn đề hạn chế trong thực tiễn áp dụng. Với yêu cầu đặt ra như trên, việc ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 nghị định trên là rất cần thiết.
Sửa đổi 13 nhóm nội dung VPHC lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp
Dự thảo dành Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2019/NĐ-CP. Điều này dự kiến sửa đổi 13 nhóm nội dung, bao gồm bổ sung quy định mô tả hành vi và xử phạt đối với một số hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh theo giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất, giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất; bổ sung, chỉnh lý quy định về thẩm quyền xử phạt VPHC của các chức danh có thẩm quyền xử phạt (thanh tra, công an, hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường) để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý VPHC.
Cụ thể, dự thảo nêu rõ: Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh không đúng loại hình, địa điểm, quy mô, chủng loại hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện ghi trong giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp mà không thực hiện quy định về điều chỉnh giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
Phạt tiền từ 20-25 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện khai báo hóa chất nhập khẩu theo quy định.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có quyền: Phạt tiền đến 50 triệu đồng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực hóa chất, đến 100 triệu đồng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp…
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.