Dù dự án sân golf cho đến nay còn chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng từ năm 2018, chính quyền Tuyên Quang đã yêu cầu người dân giữ nguyên hiện trạng rừng. Quyết định này kéo theo hệ lụy là 152 héc ta keo đã quá tuổi đang dần già héo, chết khô.
Báo Lao Động đã có bài viết Héo mòn nhìn cả vạn gốc keo dần chết khô giữa rừng phản ánh những bất cập trong việc giao đất, giao rừng tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Theo đó, 27 hộ dân tại các xã Nhữ Khê, Nhữ Hán (huyện Yên Sơn) nhận giao khoán chăm sóc, bảo vệ 152,7 ha rừng phòng hộ từ năm 1996 đến năm 2016.
Ngày 4.10.2018, UBND tỉnh Tuyên Quang có Quyết định 270, xây dựng phương án giao số rừng kể trên cho các hộ dân để sản xuất. Người dân vui mừng, phấn khởi vì công sức sau hơn 20 năm được đền đáp.
Tuy nhiên niềm vui ngắn chẳng tày gang. Chỉ sau đó 2 tháng, ngày 7.12.2018, Sở Tài nguyên & Môi trường (TNMT) tỉnh lại ra văn bản số 3785/UBND-TNMT về việc nghiên cứu, khảo sát, quy hoạch, lập dự án sân golf và làng du lịch sinh thái (MIMOSA).
Từ đó, Sở TNMT yêu cầu huyện Yên Sơn giữ nguyên hiện trạng khu vực dự kiến thực hiện dự án; tạm dừng phương án giao rừng trồng gắn với giao đất lâm nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân.
Theo các hộ dân, đã gần 3 năm trôi qua, vẫn chưa có quyết định hoặc một câu trả lời chính thức từ các cấp có thẩm quyền. Trong khi rừng vẫn cứ chết khô theo từng ngày, còn quyền lợi của 27 hộ dân cùng bao tâm huyết dường như đã tan thành mây khói…
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Dự – Chủ tịch UBND xã Nhữ Hán cho rằng việc giao đất giao rừng cho doanh nghiệp làm dự án là rất tốt, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, đứng trên quyền lợi của người dân, ông Dự đề nghị các cấp chức năng sớm có có phương án thanh lý, đấu giá những tài sản trên rừng (chủ yếu là hàng chục nghìn cây keo đã quá tuổi cho thu hoạch đang chết khô). Ông cũng mong muốn có câu trả lời dứt điểm về việc giao đất giao rừng tại đây.
“Đây cũng là quyền lợi chính đáng sau hơn 20 năm chăm sóc, bảo vệ rừng của họ”, vị Chủ tịch xã nói.
Theo ông Trần Văn Dự, mặc dù đã có tới 2 cuộc họp dân để thông tin về việc dừng giao đất giao rừng, nhưng có lẽ với người dân, thông tin tới họ vẫn chưa thực sự rõ ràng, thuyết phục.
Ông Dự đề nghị, các cơ quan chức năng cần linh động giải quyết số lâm sản đang già héo trên cả trăm héc ta rừng kia để tránh lãng phí tài nguyên cũng như đảm bảo lợi ích chính đáng cho người dân; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tránh lãng phí tài nguyên và gây những dư luận trái chiều trong nhân dân.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Mai Thị Hoàn – Phó GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, sau khi bài viết của Lao Động được đăng tải, bà cùng đoàn công tác đã trực tiếp xuống địa phương để ghi nhận, kiểm tra thực tế tình hình.
Theo bà Hoàn, trên thực tế Sở đã kiểm tra nhiều lần về hiện trạng cây chết khô cũng như những khúc mắc của người dân trong việc giao đất giao rừng tại đây.
“Bản thân Sở cũng rất sốt ruột nhưng việc dừng giao đất giao rừng là chủ trương của tỉnh, việc triển khai dự án là trách nhiệm của nhiều sở ngành liên quan nên Sở NN&PTNT cũng chỉ giải quyết được những vấn đề trong thẩm quyền”, bà Hoàn nói.
Vị Phó giám đốc Sở cũng cho biết, sau cuộc kiểm tra thực tế này, Sở NN&PTNT sẽ đề xuất với UBND tỉnh họp với các Sở ngành liên quan để tìm hướng giải quyết dứt điểm những vấn đề trên.
Theo tìm hiểu của PV, từ khi có chủ trương khảo sát, lập quy hoạch đến nay, dự án Sân golf và Làng du lịch sinh thái (MIMOSA) mới hoàn thành được việc đo đạc khảo sát, lên được ý tưởng và ra được quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Chủ trương đầu tư của dự án dự kiến sẽ được trình, xem xét trong tháng 6.2021. |