Chuyến đi xa nhà 500 km của đàn voi rừng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc khiến nỗ lực bảo tồn môi trường sống của loài vật này càng trở nên cấp bách.
Cuộc di cư về phương bắc của 15 con voi rừng châu Á này “rất bất thường” vì chúng không theo lộ trình cố định, Triệu Hoài Đông – cựu giám đốc dự án Bảo vệ Voi châu Á IFAW tại Xishuangbanna, Vân Nam – nhận định, Financial Times đưa tin ngày 12/6.
“Trong 20 năm qua, voi châu Á được bảo hộ nên số lượng của chúng đã gia tăng. Nhưng diện tích rừng nguyên sơ giảm dần bên ngoài khu vực được bảo vệ cũng làm thu hẹp nơi sinh sống của voi. Điều này khiến đàn voi phân tán tới những khu vực có đông người”, ông Triệu nói.
Đến 17h ngày 11/6, đàn voi rừng châu Á tiếp tục đi thêm 8,12 km nữa về phía tây nam, thuộc địa phận thị trấn Thập Nhai, thành phố Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam, theo Global Times. Cả đàn vẫn an toàn và khỏe mạnh sau hành trình 500 km xuất phát từ khu Bảo tồn thiên nhiên quốc gia Xishuangbanna (Vân Nam).
Theo cập nhật mới nhất từ AP hôm 12/6, một con voi đực tách đàn 6 ngày trước lúc này đang ở cách đồng loại khoảng 16 km trong khu rừng ở thành phố An Ninh, thuộc thủ phủ Côn Minh, Vân Nam. Mưa liên tục và các đám đông tụ tập trong tết Đoan Ngọ đang làm phức tạp thêm nỗ lực giám sát đàn voi và đảm bảo an toàn.
Chuyến di cư của đàn voi rừng diễn ra trước thềm thủ phủ Côn Minh, tỉnh Vân Nam chuẩn bị chủ trì Hội nghị Đa dạng sinh thái Liên Hợp Quốc vào tháng 10.
Các chuyên gia môi trường hy vọng Trung Quốc sẽ dùng cơ hội này để tăng cường cam kết bảo vệ động vật hoang dã bị đe dọa và mở rộng khu bảo tồn thiên nhiên.
Voi châu Á nhận được sự bảo hộ ở mức cao nhất tại Trung Quốc. Hàng trăm năm trước, các đàn voi sẽ lang thang vào sâu trung tâm Trung Quốc. Nhưng những thập kỷ gần đây, quần thể khoảng 300 con voi của Trung Quốc bị giới hạn trong tỉnh Vân Nam.
Nhà chức trách địa phương đã khởi xướng chiến dịch để kéo đàn voi tránh xa Côn Minh. Họ chặn đường và rải dứa, ngô và các thức ăn khác trên mặt đất để dụ chúng đi khỏi khu vực đông dân.
Châu Tấn Phong, giám đốc chương trình Bảo tồn Đa dạng sinh học Trung Quốc và Quỹ Phát triển Xanh, cảnh báo rằng hành động cố gắng xua đuổi voi trở về sẽ là cách tiếp cận sai lầm. Ông Châu cho rằng điều này có thể làm tăng rủi ro voi đụng độ với người.
“Tôi đề nghị chúng ta không nên hoàn toàn ngăn chặn sự di cư của voi mà hãy thiết lập các hành lang di cư (cho chúng)”, ông Châu nói.
Theo ông Châu, việc người dân không dùng bạo lực và chấp nhận đàn voi là sự chuyển biến rõ rệt so với quá khứ. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy thái độ bao dung với các loài động vật được bảo vệ.
“Đây là điều khiến tôi cảm thấy đặc biệt nhẹ nhõm”, ông Châu chia sẻ.