Các lãnh đạo G7 ngày 13.6 sẽ cam kết tăng đóng góp tài chính nhằm đạt mục tiêu đã đề ra là 100 tỉ USD cho khí hậu.
Theo Reuters, là một phần của kế hoạch giúp tăng tốc ngân sách tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển và chuyển đổi sang công nghệ tái tạo và bền vững, 7 nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới (G7) sẽ một lần nữa cam kết đạt được mục tiêu.
Với tư cách là chủ nhà G7, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố: “Bảo vệ hành tinh của chúng ta là điều quan trọng nhất mà chúng ta với tư cách là các nhà lãnh đạo có thể làm cho người dân của mình”.
“Là các quốc gia dân chủ, chúng tôi có trách nhiệm giúp các nước đang phát triển gặt hái những lợi ích của tăng trưởng sạch thông qua một hệ thống công bằng và minh bạch. G7 có cơ hội chưa từng có để thúc đẩy cách mạng công nghiệp xanh toàn cầu – tiềm năng để thay đổi cách sống”.
Trước đó, tại Liên Hợp Quốc năm 2009, các nước phát triển đã thống nhất cùng nhau đóng góp 100 tỉ USD mỗi năm vào năm 2020 để tài trợ các vấn đề khí hậu cho các nước nghèo hơn, nhiều nước trong số này đang phải vật lộn với tình trạng nước biển dâng, mưa bão và hạn hán ngày càng tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu.
Mục tiêu đó đã không đạt được, một phần do đại dịch COVID-19 khiến chính phủ Anh phải hoãn Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) cho đến năm nay.
Các nhà lãnh đạo G7 cũng dự kiến sẽ đưa ra các hành động để cắt giảm lượng khí thải carbon, bao gồm các biện pháp như chấm dứt hầu hết các hỗ trợ trực tiếp của chính phủ đối với lĩnh vực năng lượng nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài và loại bỏ dần ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel.