Các nhà lãnh đạo nhóm G7 đã nhất trí khởi động kế hoạch cơ sở hạ tầng “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) nhằm đối trọng sáng kiến BRI của Trung Quốc.
Hãng ANI đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 12-6 đã nhất trí khởi động kế hoạch “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Kế hoạch toàn cầu mới này là một phần trong nỗ lực đối trọng sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Theo Nhà Trắng, kế hoạch B3W được chấp thuận sau khi ông Biden cùng các nhà lãnh đạo G7 hôm 12-6 có cuộc hội đàm để trao đổi về “cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và cam kết có hành động thực tiễn nhằm giúp đáp ứng nhu cầu hạ tầng khổng lồ tại các nước có thu nhập thấp và trung bình”.
B3W là sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu mới táo bạo, giúp thúc đẩy quan hệ đối tác về cơ sở hạ tầng minh bạch, tiêu chuẩn cao và định hướng giá trị do các nền dân chủ lớn dẫn đầu.
Nhà Trắng cho biết B3W sẽ có quy mô toàn cầu tương tự BRI. Kế hoạch giúp đáp ứng hơn 40 nghìn tỉ USD nhu cầu cơ sở hạ tầng của các nước đang phát triển, vốn càng trở nên cấp thiết trong tình hình đại dịch COVID-19.
Thông qua B3W, G7 và các đối tác cùng chí hướng khác sẽ phối hợp huy động vốn của khu vực tư nhân để đầu tư vào bốn lĩnh vực trọng tâm, gồm khí hậu, y tế và an ninh y tế, công nghệ kỹ thuật số, công bằng và bình đẳng giới.
Sáng kiến sẽ có phạm vi toàn cầu từ châu Mỹ Latinh và Caribe đến châu Phi đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Theo Nhà Trắng, trong thông báo về quan hệ đối tác, Mỹ và các đối tác G7 đang thể hiện tầm nhìn thống nhất về phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu.
Washington sẽ tìm cách huy động toàn bộ tiềm lực từ các công cụ tài chính phát triển của mình, gồm Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC), Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Mỹ (EXIM), tập đoàn Millennium Challenge, Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ, cùng các cơ quan khác như Quỹ Tư vấn Giao dịch.
Chính quyền của Tổng thống Biden cũng đặt mục tiêu hoàn thành các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng trong nước theo Kế hoạch Việc làm của Mỹ, đồng thời tạo ra các cơ hội mới để chứng minh khả năng cạnh tranh của Washington ở nước ngoài và tạo việc làm trong nước.
“Ngoài hàng tỉ USD mà Mỹ huy động để tài trợ cho cơ sở hạ tầng ở nước ngoài thông qua các công cụ song phương và đa phương hiện có, chúng tôi sẽ làm việc với Quốc hội để tăng cường bộ công cụ tài chính phát triển của mình với hy vọng rằng cùng với khu vực tư nhân, các bên liên quan khác của Mỹ, và các đối tác G7, B3W sẽ xúc tác hàng trăm tỉ USD đầu tư cơ sở hạ tầng cho các nước thu nhập thấp và trung bình trong những năm tới ” – Nhà Trắng thông báo.
Theo Nhà Trắng, cơ sở hạ tầng được phát triển với sự hợp tác của nhiều quốc gia, vốn qua đó đều được hưởng lợi, sẽ tồn tại lâu hơn và thúc đẩy sự phát triển hơn.
B3W được đưa ra trong bối cảnh sáng kiến BRI được chỉ trích là môt công cụ đòn bẩy tài chính giúp Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng của mình thông qua “ngoại giao bẫy nợ”. Bắc Kinh đã phủ nhận cáo buộc này.
Hàng loạt dự án đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng đã được thực hiện ở nhiều quốc gia từ châu Á, châu Âu tới châu Phi trong khuôn khổ BRI. Việc Ý, một thành viên G7, tham gia BRI đã khiến Washington và nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU) không đồng tình.