Hơn 40% khả năng trái đất sẽ sớm nóng hơn Mục tiêu trong Hiệp định Paris.
Theo dự báo của Tổ chức Khí tượng Thế giới, 40% khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ nóng đến mức tạm thời vượt qua giới hạn nhiệt độ mà Hiệp định khí hậu Paris đang đặt ra.
Dự báo mới của Tổ chức Khí tượng Thế giới cũng dự đoán, 90% khả năng thế giới sẽ lập thêm một kỷ lục nữa về năm nóng nhất vào cuối năm 2025 và Đại Tây Dương sẽ tiếp tục tạo ra nhiều trận cuồng phong tiềm ẩn nguy hiểm hơn trước đây.
Nghiên cứu cho thấy, nhiệt độ trung bình hàng năm trên toàn cầu trong vòng 5 năm tới có thể sẽ cao hơn ít nhất 1°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Trong năm nay, phần lớn đất liền ở Bắc bán cầu sẽ ấm hơn 0,8 độ C so với những thập kỷ gần đây và hạn hán vẫn sẽ tiếp tục ở Tây Nam Mỹ.
Hiệp định khí hậu Paris năm 2015 đặt ra mục tiêu giữ nền nhiệt toàn cầu tăng dưới ngưỡng 2 độ C vào cuối thế kỷ XXI so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Hiệp định cũng thông qua mục tiêu tham vọng hơn là giữ được mức tăng 1,5 độ C để ngăn ngừa những tác hại của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, thế giới đã nóng hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Năm ngoái, nhóm các nhà khí tượng này đã dự báo khả năng xảy ra là 20%.
Tiến sĩ Leon Hermanson, nhà khoa học về khí hậu tại Trung tâm Met của Vương quốc Anh cho biết, tỉ lệ này tăng gấp đôi là do những cải tiến trong công nghệ dự báo cho thấy nhiệt độ trái đất đã “thực sự ấm lên nhiều hơn chúng ta nghĩ”.Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới Petteri Taalas cho biết: “Đây không chỉ là số liệu thống kê. Nhiệt độ tăng đồng nghĩa với việc băng tan nhiều hơn, mực nước biển dâng cao hơn, sóng nhiệt và thời tiết khắc nghiệt khác diễn ra thường xuyên hơn, đồng thời tác động nhiều hơn đến an ninh lương thực, sức khỏe, môi trường và sự phát triển bền vững”.
Ông Joeri Rogelj, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Grantham thuộc Đại học Hoàng gia London, cho biết, một năm có mức nhiệt tăng trên 1,5°C không có nghĩa là các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu bị vi phạm.
“Tuy nhiên, đây vẫn là một tin rất xấu. Điều này một lần nữa cho chúng ta thấy rằng, hành động vì khí hậu cho đến nay là hoàn toàn không đủ và lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cần phải được giảm khẩn cấp về 0 nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu”, ông Joeri Rogelj nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới vào tháng 4.2021, năm 2020 là một trong ba năm nóng nhất từng được ghi nhận khi nhiệt độ trung bình của trái đất tăng 1,2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tiến sĩ Michael Mann, nhà khoa học khí hậu của Đại học bang Pennsylvania, cho biết: thế giới sẽ vượt quá ngưỡng ấm lên theo Hiệp định Paris trong vài năm tới. Việc chỉ một hoặc hai năm nhiệt độ tăng trên 1,5 độ C không đáng lo ngại bằng xu hướng nền nhiệt độ chung đang cao hơn mức đó.
“Tuy nhiên, điều đó có thể sẽ không xảy ra trong nhiều thập kỷ và vẫn có thể được ngăn chặn”, Tiến sĩ Michael Mann nhận định.