Cử tri tỉnh Thanh Hoá có đề nghị gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hỗ trợ bổ sung kinh phí cho các dự án tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu; Sớm ban hành hướng dẫn cụ thể thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi hoạt động bảo vệ môi trường theo Nghị định số 19/2015/NĐ-CP. Nhất là các ưu đãi hỗ trợ trong hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt, rác thải nhựa, tái chế chất thải rắn công nghiệp…
Trả lời vấn đề này, Vụ Pháp chế, Bộ TN&M cho biết, thời gian qua Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành quan tâm để tỉnh Thanh Hóa triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn trong khuôn khổ các chương trình về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có các dự án như: Xử lý sạt lở bờ biển Sầm Sơn, thị xã Sầm Sơn; Trồng cây chắn sóng thuộc dự án củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển, đê cửa sông huyện Nga Sơn; Kè chống sạt lở bờ biển khu vực xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương; Xây dựng kè chống sạt lở và nạo vét tiêu thoát lũ khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn; Trồng, phục hồi rừng ven biển huyện Hậu Lộc, Quảng Xương. Các dự án nêu trên đã và đang được tỉnh triển khai, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn…
Do vậy, kiến nghị của cử tri đề nghị hỗ trợ bổ sung kinh phí cho các dự án nhằm tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu là cần thiết đối với tỉnh Thanh Hóa, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đồng thời bảo đảm đời sống dân sinh, đặc biệt là người dân tại các khu vực dể bị tổn thương do biến đổi khí hậu như vùng ven biển, miền núi.
Hiện, sau khi kết thúc Chương trình mục tiêu Ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020, Bộ đã rà soát, tổng hợp nhu cầu của tỉnh để khi có điều kiện về nguồn vốn và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, Bộ sẽ phối hợp với tỉnh hoàn thiện và triển khai các dự án.
Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường, Vụ Pháp chế cho biết, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được Quốc hội khoá XIV thông qua, thay thế Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, trong đó có Nghị định thay thế Nghị định số 19/2015/NĐ-CP. Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận kiến nghị của cử tri để xem xét, nghiên cứu sửa đổi trong quá trình xây dựng các văn bản này. Bên cạnh đó, khi các địa phương xây dựng dự án đề xuất cụ thể, Bộ sẽ xem xét, hỗ trợ các dự án trong các hoạt động như kiến nghị của cử tri theo đúng quy định của pháp luật.