Khai thác nước ngầm tràn lan là một trong các nguyên nhân chính gây sụt lún, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng tại TPHCM.
Có nơi lún 67mm/năm
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, hiện nay, nhu cầu khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn TPHCM là hơn 700.000 m3/ngày.
Trong đó, hộ dân khai thác 355.859 m3/ngày, khu chế xuất – khu công nghiệp 58.150 m3/ngày, bên ngoài khu chế xuất – khu công nghiệp nhưng không phải hộ gia đình 172.572 m3/ngày, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) khoảng 100.000 m3/ngày.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ – Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, tình trạng lún nền đất ở TPHCM trung bình 40 mm/năm, có nơi nặng nhất 67 mm/năm.
Theo bà Mỹ, một trong những nguyên nhân khiến TPHCM có dấu hiệu lún trên diện rộng dẫn đến ngập lụt là do khai thác nước ngầm quá mức. Việc khai thác nước ngầm không đúng cách cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước.
“Theo căn cứ khoa học, về lâu dài, nếu việc khai thác nước ngầm không được quản lý và kiểm soát tốt có thể gây ra nguy cơ ô nhiễm nguồn nước dưới đất và lún mặt đất” – bà Mỹ nói.
Do vậy, để ngăn ngừa những nguy cơ trên, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn TPHCM đến năm 2025.
Theo đó, từ nay đến năm 2025 sẽ giảm lưu lượng khai thác nước dưới đất trên địa bàn TPHCM còn 100.000 m3/ngày. Đồng thời, thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác đúng kỹ thuật nhằm bảo vệ nguồn nước, hạn chế ô nhiễm.
Lộ trình giảm khai thác nước ngầm
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, việc giảm khai thác nước ngầm sẽ hướng đến 4 nhóm đối tượng sử dụng nguồn nước dưới đất chính: hộ gia đình; khu chế xuất – khu công nghiệp; nhóm đối tượng sử dụng nguồn nước dưới đất bên ngoài các khu chế xuất – khu công nghiệp không phải hộ gia đình; Sawaco.
Cụ thể, Sở đã đề nghị UBND Thành phố Thủ Đức, các quận, huyện lập kế hoạch giảm khai thác nước ngầm với chỉ tiêu 32% với đối tượng là hộ dân, doanh nghiệp có lượng khai thác dưới 20 m3/ngày do các địa phương quản lý.
Đối với hộ dân, Sở phối hợp cùng với UBND Thành phố Thủ Đức và quận, huyện để tuyên truyền sử dụng nước sạch gắn đồng hồ thay cho nước giếng.
Với nhóm đối tượng là doanh nghiệp, khu chế xuất – khu công nghiệp do Sở Tài nguyện và Môi trường quản lý, sở sẽ báo cáo ngừng cấp giấy phép 151 công trình với tổng lượng khai thác hơn 50.000 m3/ngày.
Ngoài ra, Sở Tài nguyện và Môi trường sẽ triển khai song song kế hoạch trám lấp giếng khai thác nước dưới đất, chấm dứt việc khai thác nước ngầm ở khu vực nội thành.
Sở Tài nguyện và Môi trường cũng yêu cầu Sawaco khẩn trương tiến hành các biện pháp đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân.
Ông Bùi Thanh Giang – Phó Tổng giám đốc Sawaco cho biết, đến năm 2025, công ty cam kết mức khai thác nước ngầm giảm còn 30.000 m3 /ngày. Lượng nước này sẽ được đưa vào chế độ dự phòng nhằm đảm bảo an toàn cấp nước cho thành phố khi có sự cố về nguồn nước mặt.
Để thực hiện mục tiêu này và đảm bảo nguồn nước cấp cho người dân, công ty sẽ tiếp nhận và đưa vào sử dụng nguồn nước mới từ Nhà máy nước Thủ Đức 3 và Nhà máy nước Tân Hiệp 2 với tổng công suất 600.000 m3/ngày.