Một quần thể cá voi xanh lùn mới đã được phát hiện ở Ấn Độ Dương do âm thanh của chúng được micro dưới nước dùng để phát hiện bom ghi lại.
Theo Daily Mail, phát hiện này bắt nguồn từ dữ liệu của Tổ chức Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện (CTBTO) – tổ chức giám sát các vụ thử bom hạt nhân quốc tế.
CTBTO đã sử dụng micro dưới nước để theo dõi các vụ thử bom hạt nhân từ năm 2002. Gần đây, họ ghi nhận các tín hiệu âm thanh mạnh trong các bản ghi âm, nghe thấy các tần số, nhịp độ và kết cấu khác nhau.
Chỉ sau khi các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu, họ mới nhận ra rằng đã tình cờ bắt gặp một quần thể cá voi xanh lùn mới trong khu vực.
Sau khi so sánh các âm thanh vừa thu được với các âm thanh từ 3 nhóm cá voi xanh khác đã xác định ở Ấn Độ Dương, các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là một nhóm mới và đặt tên là quần thể cá voi xanh lùn Chagos.
Nếu có thể xác nhận trực tiếp bằng mắt thì quần thể cá voi xanh lùn mới sẽ là quần thể thứ 5 được phát hiện ở Ấn Độ Dương.
Cá voi xanh có thể dài hơn 30m và nặng gần 200 tấn, nhưng cá voi xanh lùn thì nhỏ hơn, chúng dài khoảng 24m và nặng gần 90 tấn.
Tracey Rogers – giáo sư Đại học New South Wales, Australia, nhà sinh thái học biển – cho biết: “Chúng tôi không biết có bao nhiêu con cá voi trong nhóm này, nhưng chúng tôi nghĩ là có rất nhiều bởi số lượng lớn âm thanh mà chúng tôi nghe thấy”.
“Cá voi xanh ở Nam bán cầu rất khó nghiên cứu vì chúng sống ở ngoài khơi và không nhảy lên mặt nước như cá voi lưng gù. Nếu không có những đoạn ghi âm này, chúng tôi sẽ không biết rằng có một quần thể cá voi xanh ở giữa xích đạo trên Ấn Độ Dương” – giáo sư Rogers nói.
Giáo sư Rogers bày tỏ: “Thật tuyệt khi một hệ thống kiểm soát các vụ thử bom hạt nhân cho phép chúng tôi tìm ra các quần thể cá voi mới, về lâu dài có thế giúp chúng tôi nghiên cứu sức khỏe của môi trường biển”.