Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang ủng hộ nỗ lực mới trong việc điều tra nguồn gốc của Covid-19 sau những đánh giá trái chiều về nơi bùng phát dịch bệnh.
Trong dự thảo tuyên bố mà các quốc gia hy vọng sẽ thông qua tại hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 6, Mỹ và EU đã “kêu gọi xúc tiến nghiên cứu nguồn gốc Covid-19 giai đoạn 2 một cách minh bạch, dựa trên bằng chứng và do chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đứng đầu, để tránh các yếu tố nhiễu”.
Theo South China Morning Post, Mỹ cũng yêu cầu EU hỗ trợ về nghiên cứu nguồn gốc Covid-19. Nguồn tin cho biết Mỹ và EU đã “cam kết làm việc cùng nhau để phát triển và sử dụng các phương tiện nhanh chóng, độc lập điều tra các đợt bùng phát như vậy trong tương lai”.
Tuy nhiên, tuyên bố này mới chỉ là bản dự thảo và có thể thay đổi trước khi các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu gặp nhau tại Brussels vào ngày 15/6.
Tuy nhiên, EU sẽ có nguy cơ chọc giận Trung Quốc nếu ủng hộ tuyên bố này.
Một cuộc điều tra mới có nguy cơ làm tăng căng thẳng với Trung Quốc, nước đã kiên quyết phủ nhận giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm, cũng như bác bỏ các nỗ lực quốc tế nhằm điều tra thêm về nguồn gốc Covid-19.
Mỹ là một trong những quốc gia đã kêu gọi Trung Quốc cho phép truy cập dữ liệu của nước này trong bối cảnh nhiều giả thuyết về nguồn gốc dịch bệnh vẫn đang gây tranh cãi.
Vào cuối tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra tuyên bố bất ngờ khi tiết lộ rằng giới tình báo Mỹ đang chia rẽ giữa hai giả thuyết về đại dịch, đó là tiếp xúc giữa người với động vật mắc bệnh, hoặc do sự cố trong phòng thí nghiệm.
Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) cho biết các quan điểm về nguồn gốc Covid-19 đều có “độ tin cậy thấp hoặc trung bình”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã bác bỏ những cáo buộc này và gọi động thái của ông Biden là nỗ lực nhằm “bêu xấu, thao túng chính trị và đổ lỗi”.
Trước đó, báo cáo của WHO cho biết nguồn gốc virus rất có thể đến tự nhiên, nhưng sẽ cần nghiên cứu thêm trước khi đưa ra kết luận.