Một nghiên cứu mới cho thấy, biến đổi khí hậu làm suy giảm nền kinh tế các nước G7 gấp 2 lần so với đại dịch COVID-19
Theo The Guardian, nền kinh tế của các nước giàu sẽ suy giảm gấp đôi so với thời kỳ khủng hoảng COVID-19 nếu họ không giải quyết được lượng phát thải khí nhà kính đang gia tăng.
Theo nghiên cứu, nền kinh tế của các quốc gia G7 (Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Đức, Italia, Nhật) – những nền kinh tế công nghiệp phát triển lớn nhất thế giới – suy giảm trung bình khoảng 4,2% GDP trong thời kì đại dịch COVID-19.
Nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 2,6 độ C, các nước này sẽ mất 8,5% GDP mỗi năm – tương đương gần 5 tỉ USD – trong vòng 30 năm.
Bên cạnh đó, có một số quốc gia thậm chí sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Nền kinh tế Ấn Độ sẽ suy giảm 1/4, Australia sẽ bị mất 12,5% sản lượng và Hàn Quốc sẽ mất gần 1/10 tiềm năng kinh tế.
Theo dự đoán, biến đổi khí hậu sẽ tác động trực tiếp đến năng suất nông nghiệp do khí hậu khắc nghiệt như hạn hán và lũ lụt, nó cũng ảnh hưởng đến sức khỏe con người như gây căng thẳng nhiệt (kiệt sức vì nóng, đau cơ, co thắt, đột quỵ,…).
Nhà kinh tế học Jerome Haegeli cho hay: “Biến đổi khí hậu là rủi ro dài hạn số một đối với nền kinh tế toàn cầu và chúng ta cần G7 tiến bộ hơn nữa. Có nghĩa là không chỉ có nghĩa vụ cắt giảm khí carbon mà còn phải giúp đỡ các nước đang phát triển, điều đó cực kỳ quan trọng”.
Ông Haegeli cho rằng, cung cấp vaccine COVID-19 cũng là một cách hữu ích để giúp các nước đang phát triển, khi nền kinh tế của họ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Các nhà lãnh đạo của các nước G7 và EU sẽ gặp nhau tại Cornwall vào ngày 11.6 để thảo luận về nền kinh tế toàn cầu, vaccine COVID-19, thuế kinh doanh và cuộc khủng hoảng khí hậu.