Theo Oceana, trong ba năm qua, hàng trăm tàu cá Trung Quốc đã tắt tính năng định vị gần vùng biển Argentina, bị nghi nhằm đánh bắt trái phép tại ngư trường dồi dào này.
Theo nhóm bảo tồn Oceana (Mỹ), hàng trăm tàu thuyền, đa số là của Trung Quốc, đã che giấu hoạt động di chuyển gần vùng biển Argentina, động thái bị nghi nhằm đánh bắt trái phép tại một trong những ngư trường dồi dào nhất thế giới, tờ South China Morning Post ngày 5-6 đưa tin.
Phân tích của nhóm Oceana cho thấy hơn một nửa số tàu nước ngoài đánh bắt gần Argentina đã tắt tính năng định vị, che giấu hoạt động của mình, trong đó các tàu của Trung Quốc chiếm đến 66% các vụ việc này.
Theo báo cáo của Oceana được công bố hôm 2-6, khoảng 800 tàu, hơn một nửa trong số đó đến từ Trung Quốc, đã ghi nhận gần 900.000 giờ hoạt động đánh bắt có thể theo dõi thông qua Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) trong phạm vi 20 hải lý quanh vùng biển của Argentina từ tháng 1-2018 đến tháng 4-2021.
Oceana cho biết hơn một nửa trong số các thuyền trên đã tự tắt tính năng AIS trong ít nhất 24 giờ trong hơn 6.200 vụ việc.
Bà Beth Lowell – phó chủ tịch phụ trách các chiến dịch của Mỹ tại Oceana – cho biết: “Bạn không nên che giấu vị trí của mình trong quá trình đánh bắt trên biển. Tại sao họ lại tắt tính năng này nếu họ đang làm điều hợp pháp? Họ nên tiếp tục duy trì AIS của mình để thế giới có thể thấy những gì đang xảy ra”.
“Các tàu biến mất dọc theo rìa vùng biển của Argentina có thể đang xâm phạm vùng biển của nước này một cách bất hợp pháp” – bà Lowell nói thêm.
Báo cáo của Oceana cho thấy quy mô của hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không được ghi nhận và không được quản lý xung quanh Argentina, nơi có trữ lượng mực dồi dào cho việc đánh bắt hàng đầu thế giới.
Theo Oceana, hơn 430 tàu gắn cờ Trung Quốc chịu trách nhiệm đối với gần 70% hoạt động đánh bắt có thể theo dõi được qua AIS trong vùng biển của Argentina. Các tàu của Tây Ban Nha, Hàn Quốc và Đài Loan chiếm khoảng 26% trong tổng số các hoạt động có thể theo dõi được, trong khi các tàu của Argentina thực hiện ít hơn 1% trong tổng số các hoạt động đánh bắt.
Số lượng vụ tắt AIS thường lên đến đỉnh điểm khi đội tàu cá Trung Quốc tập trung quanh vùng biển của Argentina từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
Chẳng hạn, một tàu câu mực của Trung Quốc đã tắt AIS hơn 100 lần kể từ năm 2018, và thường biến mất ngay khu vực giáp giữa vùng biển quốc tế và vùng đặc quyền kinh tế Argentina, báo cáo của Oceana nêu rõ.
Một dấu hiệu khác của việc đánh bắt bất hợp pháp là khi các tàu tránh cập cảng, thay vào đó dựa vào các tàu chở hàng đông lạnh lớn. Các tàu chở hàng này sẽ chuyển hải sản đánh bắt đi, tiếp tế thêm hàng hóa hoặc đổi thuyền viên trên tàu cá.
Theo bà Lowell, hành động này, được gọi là trung chuyển, có thể hợp pháp, song là một mắt xích yếu trong chuỗi cung ứng thủy sản và dễ bị lợi dụng thực hiện các hoạt động bất hợp pháp.
Các nhà phân tích của Oceana phát hiện ra rằng 173 – khoảng 40% – tàu Trung Quốc đánh bắt gần Argentina đã chuyển tải trong vòng một tháng kể từ khi AIS của họ bị tắt.
Chuyên gia Chen Jiliang thuộc tổ chức phi chính phủ Greenovation Hub (Trung Quốc) cho biết Bắc Kinh thời gian qua đã nỗ lực đưa ra biện pháp ngăn chặn hành vi đánh bắt trái phép, không được báo cáo và quản lý, nhưng các nỗ lực này là chưa đủ để giải quyết vấn đề.
Theo South China Morning Post, những năm qua, các tàu cá của Trung Quốc đã tập trung với số lượng lớn quanh vùng biển của các nước Nam Mỹ như Argentina và Ecuador và các vụ đánh bắt cá trái phép liên quan tàu Trung Quốc cũng đã vấp phải sự chỉ trích của chính quyền địa phương, thậm chí dính líu tới luật pháp nước sở tại.
Hồi năm 2016, lực lượng tuần duyên của Argentina từng đánh chìm tàu Lu Yan Yuan Yu 010 sau khi tàu này bị phát hiện đánh cá trái phép trong vùng biển của quốc gia này và cố gắng bỏ trốn khi bị bắt quả tang.