Mùa hè năm nay được dự báo sẽ có nhiều đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài. Kể từ cuối tháng 5 tới nay, một số địa phương đã xuất hiện nguy cơ cháy rừng cao, nhất là tại Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị coi việc phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm.
Hiện nắng nóng gay gắt và hanh khô diễn ra trên diện rộng, đặc biệt là khu vực miền Trung, nguy cơ cháy rừng rất cao tại nhiều địa phương, nhiều khu rừng đang ở cấp cảnh báo cháy rừng cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết liệt chỉ đạo các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống cháy rừng.
Nghiêm cấm các hoạt động sử dụng lửa gây nguy cơ cháy rừng
Thời gian vừa qua cháy rừng đã xảy ra tại một số địa phương: Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế… gây thiệt hại về rừng, môi trường và ảnh hướng đến đời sống của nhân dân trên địa bàn. Sẵn sàng với các phương án phòng cháy, chữa cháy để cứu rừng, trong công điện vừa gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo UBND các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô. Bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn. Có phương án và sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước khi có cháy rừng xảy ra.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương làm rẫy, cấm các hoạt động sử dụng lửa gây nguy cơ cháy rừng.
“Chỉ đạo các cơ quan chức năng, phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật và xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý.
Bộ NNPTNT đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ động các phương án hỗ trợ chữa cháy rừng trên địa bàn các đơn vị đóng quân, đồng thời huy động lực lượng, phương tiện, chữa cháy rừng khi có yêu cầu…
Không để phát sinh điểm nóng
Thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xảy ra một số vụ cháy rừng tại các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, Phước Sơn…
Cụ thể, trong 2 ngày 8 và 9/5, tại tiểu khu 689 thuộc huyện Phước Sơn, Quảng Nam, nhiều hecta cây rừng tự nhiên đã bị thiêu rụi do việc đốt thực bì để trồng rừng thay thế gây cháy lan. Tiếp đến ngày 18/5, tại khu vực chân tượng đài Vĩnh Trinh, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên đã xảy ra một vụ cháy rừng thiêu rụi khoảng 45ha rừng trồng, trong đó chủ yếu là rừng thông và keo được trồng từ các dự án của nhà nước và người dân tự bỏ vốn đầu tư.
Để chủ động, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu tối đa cháy rừng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản yêu cầu chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong thực hiện các quy định về quản lý và bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng…
Đáng chú ý, văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã khẩn trương chỉ đạo điều tra, xác định nguyên nhân các vụ cháy rừng vừa xảy ra trên địa bàn. Xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Làm rõ trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng, báo cáo ngay kết quả xử lý về UBND tỉnh, Sở NNPTNT để theo dõi, chỉ đạo.
Là địa phương từ đầu năm đến nay xảy ra 12 vụ cháy rừng, ông Nguyễn Đại – Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cho biết, diễn biến thời tiết nắng nóng kéo dài, cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp IV, cấp V. Cấp IV, cấp nguy hiểm các khu vực đồng bằng; cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm các khu vực huyện miền núi. Ở Quảng Ngãi, công tác chữa cháy rừng luôn gặp khó khăn trở ngại, các lực lượng tham gia chữa cháy nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ thì rất khó tiếp cận hiện trường để nhanh chóng dập tắt đám cháy, không để lây lan gây cháy lớn.
Ông Đại cũng cho biết, mới đây, phía Công an tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản phối hợp, triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Theo đó, công an huyện, thị xã, thành phố thường xuyên phối hợp, hỗ trợ lực lượng kiểm lâm trong công tác tuần tra, kiểm tra, truy quét các đối tượng khai thác rừng trái phép. Phối hợp xử lý ngay từ giai đoạn điều tra ban đầu đối với các vụ hủy hoại rừng, chủ rừng tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét, làm trong sạch địa bàn quản lý, không để phát sinh điểm nóng về phá rừng, cháy rừng.
Với tỉnh Nghệ An, Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách về bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh vừa cảnh báo cháy rừng thời điểm này tại Nghệ An với cấp dự báo cháy rừng là cấp IV đến cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).
Ban Chỉ huy đề nghị chính quyền các địa phương, lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng tập trung cao nhất, chỉ đạo làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng. Trong đó, có việc cắt cử, phân công lực lượng thường trực 24/24 giờ. Các đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng, các chủ rừng duy trì chế độ thường trực tại các chòi canh lửa và tại đơn vị để kịp thời phát hiện, xử lý khi cháy rừng xảy ra. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và hướng dẫn việc sử dụng lửa trong rừng và ven rừng của người dân. Nghiêm cấm các hoạt động xử lý thực bì bằng sử dụng lửa và những hoạt động có sử dụng lửa khác có nguy cơ gây ra cháy rừng.
Trước đó, tại Nghệ An đã liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng. Cụ thể vào ngày 1/6, đã xảy ra vụ cháy rừng tại xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai); ngày 30/5, xảy ra vụ cháy rừng tại xã Diễn Lộc (huyện Diễn Châu). Hiện, các vụ cháy rừng này vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân, thủ phạm gây cháy để xử lý theo quy định của pháp luật.
Với Thanh Hoá, địa bàn có 647.107 ha rừng, trong đó có trên 46.700 ha rừng thuộc vùng trọng điểm cháy (rừng trồng thông, rừng nứa, vầu, rừng tái sinh có thảm thực bì khô nỏ…). Mặc dù, thời gian qua các địa phương đã thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhưng, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết khô hanh, nắng nóng kéo dài, nhất là khu vực các huyện, thị xã thường xuyên bị ảnh hưởng của gió Lào, khô, nóng như: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Tĩnh Gia, Hà Trung,… nên nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn và ở mức cao đến rất cao.
Để tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ NNPTNT, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn chỉ đạo: Nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên phải trực chỉ huy phòng chống cháy rừng tại cấp huyện, cấp xã và chủ rừng; tổ chức lực lượng tuần tra, trực gác ngoài hiện trường 24/24 giờ để canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, nghiêm cấm các hoạt động có sử dụng lửa trong, ven rừng như: Sử dụng lửa đốt ong, đốt bãi rác, dọn vườn… tạm dừng hoạt động xử lý thực bì trồng rừng, làm rẫy, vệ sinh rừng sau khai thác và những hành vi dùng lửa khác, nhất là sử dụng lửa gần khu vực rừng giáp khu dân cư, nghĩa trang, các khu di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng trong và ven rừng…
Chủ động phát hiện sớm lửa rừng để huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ dập tắt ngay đám cháy khi mới phát sinh, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn.
Để chủ động các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu tối đa cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, trong công điện gửi các Sở NNPTNT, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa yêu cầu các tỉnh: Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và thành phố Đà Nẵng triển khai ngay các phương án phòng, chống cháy rừng.
Công điện nhấn mạnh việc các đơn vị, chủ rừng chủ động rà soát các phương án PCCCR đã xây dựng. Đảm bảo lực lượng ứng trực 24/24 giờ. Bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Khi có cháy rừng xảy ra, chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng, xử lý nghiêm người có hành vi vi phạm và trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng. |