Theo bản tin sáng 4/6 của Bộ Y tế, 52 ca mắc mới được ghi nhận tại Bắc Giang (35), Bắc Ninh (14), Hà Nội (2) và Thái Bình (1).
Bắc Giang vẫn là tỉnh ghi nhận số lượng ca mắc lớn nhất với 35 trường hợp tại khu cách ly và khu vực phong tỏa, liên quan công nhân làm việc tại khu công nghiệp.
Trong 14 ca mắc mới tại Bắc Ninh, 6 người liên quan ổ dịch Khắc Niệm, 3 trường hợp từ khu công nghiệp Quế Võ, 2 bệnh nhân liên quan Thuận Thành. Ba người còn lại đang tiếp tục được điều tra dịch tễ.
Hà Nội phát hiện một trường hợp mắc Covid-19 từng từ TP.HCM trở về. Người còn lại là F1.
Tại Thái Bình, bệnh nhân mới là nữ, 75 tuổi, trú tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Người này liên quan ổ dịch cũ và đã được cách ly tập trung từ trước.
Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 6.577 ca ghi nhận trong nước và 1.538 trường hợp nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 5.007.
Bộ Y tế cho hay Việt Nam có thêm 45.571 người được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trong ngày 3/6.
Tính đến 16h ngày 3/6, nước ta đã tiêm vaccine Covid-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh, thành với 1.156.056 liều. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine là 31.551.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng các sự kiện y tế công cộng, cho biết 3 ổ dịch hiện phức tạp và cần được quan tâm hiện nay tại Việt Nam là Bắc Giang, Bắc Ninh và TP.HCM. Mỗi ổ dịch có đặc trưng và sự phức tạp riêng. Bắc Giang, Bắc Ninh là sự lây lan trong khu công nghiệp, công nhân, nhà trọ. Dịch tại đây có thể khống chế nhưng cần thời gian.
Ổ dịch TP.HCM lại liên quan nhóm tôn giáo nên lan khắp nơi. 20/22 quận, huyện đều có ca mắc. Thậm chí, các ca liên quan còn lan sang nhiều tỉnh khác, chưa biết sẽ đi đến đâu, bao nhiêu người nên rất phức tạp.
Bên cạnh đó, ông Phu cũng cho biết số ca mắc Covid-19 tại nước ta hiện nay cao, đồng nghĩa số bệnh nhân nặng, tử vong cũng nhiều hơn và không chỉ ở người già. Nếu hệ thống dự phòng vỡ trận, hệ thống điều trị cũng vỡ.