Ngày 3/6, Hội đồng Anh (Vương quốc Anh) chính thức khởi động Chiến dịch toàn cầu “Kết nối vì Khí hậu”. Thời gian kéo dài từ tuần lễ hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (5/6) tới thời điểm Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), sẽ diễn ra vào tháng 11/2021 tại Glasgow (Vương quốc Anh).
Bà Kate Ewart-Biggs, Tổng Giám đốc lâm thời Hội đồng Anh toàn cầu cho biết: Hướng tới mục tiêu của COP26, Chiến dịch nhằm kết nối mọi người trên toàn thế giới cùng chung tay giải quyết các thách thức của BĐKH. Qua đây, chúng tôi sẽ sử dụng chuyên môn của mình trong lĩnh vực giáo dục, nghệ thuật và trao đổi văn hóa, để hỗ trợ mọi người ở khắp mọi nơi tìm ra các giải pháp sáng tạo cho tình trạng khẩn cấp toàn cầu lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt.
Chiến dịch bao gồm nhiều hoạt động đa dạng: đối thoại toàn cầu, triển lãm nghệ thuật và khoa học, cấp học bổng đại học, các khoản tài trợ, các hoạt động nghiên cứu và cơ hội đào tạo, tập huấn. Dự kiến sẽ có 17 Dự án Hợp tác sáng tạo vì khí hậu với sự tham gia của các cá nhân và tổ chức đến từ Vương quốc Anh và 28 quốc gia khác. Trên cơ sở khám phá nhiều khía cạnh nghệ thuật, khoa học và công nghệ số, các dự án sẽ đưa ra các giải pháp ứng phó với những tác động không mong muốn từ BĐKH, bao gồm: di cư, ô nhiễm nhựa, xói mòn bờ biển, phá rừng, đa dạng sinh học, cảnh quan, ô nhiễm không khí, cháy rừng và tan chảy sông băng…
Một cuộc đối thoại trực tuyến toàn cầu cũng sẽ được tổ chức với sự tham dự của khách mời đặc biệt – ông Alok Sharma – Chủ tịch COP26. Bên cạnh đó, Hội đồng Anh cũng sẽ tổ chức tư vấn cơ hội học tập và định hướng lộ trình tới với các nghề nghiệp xanh, giúp bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH.
Trong khuôn khổ Chiến dịch tại Việt Nam, Hội đồng Anh đã triển khai một số sáng kiến và dự án. Điển hình là dự án “Dòng sông của sự sống” khởi động từ tháng 3/2021. Hoạt động chủ yếu là hỗ trợ các bạn trẻ thực hiện 10 tiểu dự án xã hội với chủ đề BĐKH và tác động lên dòng sông Cửu Long, thông qua các hình thức thể hiện đa dạng mang tính khoa học, nghệ thuật và truyền thông. Theo ông Huỳnh Thanh Hùng – Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, đây là dự án rất ý nghĩa với ĐBSCL nói chung và Đồng Tháp nói riêng, đặc biệt là Đồng Tháp nơi có con sông Tiền chảy qua. Chính dự án này sẽ giúp đội ngũ giáo viên cũng như học sinh nâng cao hơn nữa nhận thức về BĐKH đối với dòng sông, nơi đem lại sự sống cho con người”.
Quỹ sáng kiến thanh niên hành động vì khí hậu cũng đang hỗ trợ 6 dự án để thực hiện nhiều giải pháp thiết thực tới cộng đồng, từ các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa tới các đô thị, thành phố lớn.
Bên cạnh đó, Hội đồng Anh cũng phát triển các khóa học dành cho giáo viên về phương pháp lồng ghép những vấn đề về môi trường vào giảng dạy tiếng Anh; hỗ trợ quá trình hợp tác nghiên cứu quốc tế giữa trường đại học Cần Thơ với đại học Southamton (Vương quốc Anh), đại học Kyoto (Nhật Bản) và đại học Chulalongkon (Thái Lan) về nhu cầu xây dựng những chiến lược hợp nhất trong quản lý rủi ro các nguồn nước ở khu vực ASEAN trong bối cảnh khí hậu thay đổi. Ngoài ra, Chương trình Kết nối các nhà khoa học vì thách thức khí hậu cũng đang cung cấp hỗ trợ tài chính cho hợp tác giữa Cục Khảo sát Địa chất Anh và Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Khoáng sản Việt Nam tại dự án “Hòa nhập cộng đồng với thích ứng và giảm nhẹ rủi ro liên quan đến thời tiết ở Việt Nam”.
Trước đó, Hội đồng Anh đã thực hiện một khảo sát với gần 40.000 người trẻ trong độ tuổi 18–34 thuộc 36 quốc gia, bao gồm cả các nước G20. Kết quả cho thấy, phần lớn trong số họ nhận thức được biến đổi khí hậu là vấn đề quan trọng nhất mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay.
Số liệu từ Báo cáo nghiên cứu thế hệ trẻ Việt Nam được thực hiện gần đây cũng cho thấy, 69% số bạn trẻ được hỏi có mong muốn đóng góp cho tương lai của Việt Nam thông qua các đóng góp có lợi cho môi trường và 14% xếp biến đổi khí hậu là một trong 5 ưu tiên hàng đầu của họ. |