Chỉ khoảng hai chục cây Karomia gigas còn tồn tại trong thiên nhiên hoang dã Tanzania. Bông hoa nở trong môi trường nhân tạo này là tín hiệu tích cực cho sự sinh tồn của chúng.
Theo những gì các nhà khoa học cây trồng ở Vườn Thực vật Missouri (Mỹ), bông hoa màu tím trắng nhỏ bé mới nở trong nhà kính của họ chưa từng được nhìn thấy, ít nhất là bởi các chuyên gia như họ.
Đầu tháng 5, Justin Lee, người làm vườn, đang kiểm tra một nhóm cây con Karomia gigas thì phát hiện ra bông hoa lạ. Loài cây này có họ hàng với cây bạc hà và xuất xứ từ châu Phi, là một trong những loại thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Giống hoa kỳ lạ
Bông hoa dài chưa đầy 3 cm này có cánh hoa dạng vòng màu tím nhạt, dốc xuống tạo thành một vòm nối với bốn cánh trắng, cùng các nhụy hoa vươn ra.
Ông Lee chia sẻ: “Trông nó không giống hoa bạc hà. Trông như bị lộn ngược vậy”. Họ bạc hà, Lamiaceae, thường có hoa dạng ống phễu. Những người chăm sóc cây nghĩ hoa có thể thu hút ong, bướm và ngài, nhưng cũng có thể là cây có khả năng tự thụ phấn.
Trong vài tuần tới, họ mong đợi sẽ có thêm nhiều bông hoa Karomia gigas nở ở nhà kính, và thay vì thu hút côn trùng, chúng sẽ thu hút những bàn tay con người đang cố gắng giữ loài này khỏi tuyệt chủng. Khi có nhiều hoa nở, cây có thể thụ phấn chéo và có thêm cơ hội sống sót.
Hiện tại, chỉ còn khoảng 20 cá thể cây Karomia gigas được biến đến trong môi trường hoang dã tại Tanzania. Ông Roy Gereau, trưởng dự án Tanzania tại Vườn Thực vật Missouri, cho biết không có gì lạ khi chưa có ai từng thấy hoa mọc từ cây này. Karomia gigas là cây cao, thân thẳng, có thể đạt chiều cao 25 m, cành cây mọc ra ở cách mặt đất khoảng 13-14 m, khiến hoa khó lòng được trông thấy.
Loài cây này hiếm đến mức không có tên gọi thông thường trong tiếng Anh, tiếng Swahili (ngôn ngữ chính tại Tazania) hay tiếng địa phương của khu vực quanh rừng bảo tồn nơi cây được tìm thấy. Trong số hơn 60.000 loài cây được biết đến trên Trái Đất, Karomia gigas nằm trong số những loài bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất tại châu Phi.
“Theo chúng tôi biết, chưa có ghi nhận khoa học nào về hoa của loài cây này”, ông Gereau cho biết.
Và giờ, khi cây nở hoa, những nhà bảo tồn tin rằng họ có thể giữ cho chúng khỏi biến mất.
“Xét từ việc tuyệt chủng, đây là một tín hiệu thật sự rất tốt. Chúng tôi có thể đảm bảo loài cây này không biến mất” – ông Andrew Wyatt, phó chủ tịch bộ phận trồng cây tại Vườn Thực vật Missouri đánh giá.
Vẫn còn hy vọng
Việc trồng cây này là một thử thách. Trong môi trường hoang dã, Karomia gigas rất dễ nhiễm một loại nấm do côn trùng phát tán.
Tháng 9/2018, hàng nghìn hạt giống được thu thập ở Tanzania và đưa đến St. Louis, nhưng chỉ có 100 hạt có thể dùng để ươm mầm. Vườn ươm còn phải điều chỉnh kết cấu đất, lượng nước và ánh sáng mặt trời để mô phỏng môi trường Đông Phi nơi cây lớn lên.
Những người làm vườn cuối cùng cũng ươm được cây bằng việc để hạt nảy mầm trên khăn giấy ướt (giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh), rồi trồng xuống bầu đất. Hiện tại, họ có khoảng 30 cây con từ hạt và một cây từ giâm cành.
Ông Wyatt cho biết: “Chúng tôi đang tranh luận xem chúng có thể nở hoa trong môi trường chăm sóc hay không”.
Khi chỉ còn vài cây của loài này trên thế giới, việc cố gắng cứu và thấy chúng sinh trưởng thành công đem lại nhiều cảm xúc.
“Bạn sẽ trân trọng mọi giai đoạn. Chúng giống như con cái của bạn vậy. Bạn giống như quản gia của những loài cây này. Bạn không chỉ có mối liên hệ về khoa học, mà còn có tình cảm với chúng” – ông Wyatt chia sẻ.
Ông Lee đồng tình: “Chúng giống như con của tôi vậy”.
Bông hoa giúp các nhà khoa học hiểu thêm về loài cây, xác minh nó đã được phân loại đúng, và hình dạng cho thấy rất có thể nó được thụ phấn bởi côn trùng. Đến giờ, họ vẫn chưa thể biết rõ cấu trúc hoa này là chung của loài, hay chỉ là một đột biến gien trên cây vẫn còn nhỏ.
“Bông hoa đơn lẻ này… có thể không phải là dạng hoa thông thường của cây. Đây là cây ra hoa bói lần đầu” – ông Gereau nhận xét.
Quan trọng nhất, điều này giúp đảm bảo sự sinh tồn của cây. Các nhà thực vật có thể giâm cành để nhân giống, nhưng chúng sẽ có chung ADN. Việc có độ đa dạng di truyền sẽ giúp đảm bảo các loài cây có thể chống chọi với các yếu tố nguy hại như sâu bọ.
“Nếu cây trồng không nở hoa, chúng tôi phải phụ thuộc vào cây hoang dã để lấy hạt, và khả năng sống sót của chúng rất thấp” – ông Wyatt nói. Trong khi một số loài có thể tự thụ phấn, vẫn chưa rõ Karomia gigas làm được như vậy hay không.
Ông Lee đã thử thụ phấn trước khi bông hoa tàn, nhưng cho biết có thêm hoa từ nhiều cây khác sẽ giúp tạo ra thế hệ cây mới có khả năng chịu đựng tốt hơn về mặt di truyền.
“Tôi đã quệt phấn cho hoa. Nhưng đến giờ việc cây tự thụ phấn vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Và lần này chúng tôi đã không thành công. Tuy nhiên, chúng tôi còn nhiều cây con, nếu chúng nở hoa và thụ phấn chéo sẽ tốt hơn cho độ đa dạng gen di truyền”.
“Có cây nở hoa là một khởi đầu tuyệt vời trong nỗ lực phục hồi loài”, bà Emily Beech – chuyên gia về cây đang bị đe dọa – hào hứng. Dù không tham gia quá trình nuôi trồng cây tại St. Louis, năm 2016, bà Beech đã cùng ông Gereau và các kiểm lâm tìm kiếm loài cây này tại Tanzania.
“Lúc đến đó, chúng tôi không thấy có mầm cây trong rừng, nhưng cây nở hoa cho thấy vẫn còn hy vọng cho loài cây này trong tương lai” – bà nói thêm.
Một bước đến gần việc tái tạo
Karomia gigas được phát hiện vào năm 1977 ở Kenya. Khi hai cây cuối cùng ở đây bị chặt, các nhà khoa học nghĩ loài này đã tuyệt chúng. Sau đó, vào năm 1993, một số cây được phát hiện ở Tanzania. Từ 2011 đến nay, ông Gereau và các nhà thực vật Tanzania đã tìm thấy thêm các cá thể trong tự nhiên.
Theo ông Fandey Mashimba, trưởng phòng hạt giống thuộc Cục Lâm nghiệp Tanzania, khoảng hơn hai chục cây Karomia gigas còn tồn tại trong tự nhiên, tại hai khu bảo tồn rừng Mitundumbea và Litipo. Hai khu bảo tồn này có hệ sinh thái rừng Miombo – phổ biến ở Trung và Nam Phi. Đây là môi trường sống của những động vật hoang dã như khỉ đột, lợn rừng, trâu rừng và một loài linh dương cỡ nhỏ có tên Dik-dik.
Trong khi những cá thể được nghiên cứu ở môi trường bản địa và một cá thể đang sinh trưởng tại St. Louis, hoa của chúng vẫn là một bí ẩn.
“Chúng tôi có một người ở ngôi làng gần nhất với khu vực bảo tồn, anh ấy để mắt đến chúng và sẽ báo cho chúng tôi khi nhận thấy cây sắp có hoa” – ông Gereau nói.
Tuy nhiên, khi ai đó lái xe được qua chặng đường dài xuyên rừng và đến được chỗ cây, không bông hoa nào được tìm thấy.
“Chúng ở trong khu bảo tồn được chính phủ bảo vệ, nhưng nhiều người vào đó lấy gỗ” – bà Mashimba cho biết. Gỗ của Karomia gigas được so sánh với gỗ tếch – một loại gỗ quý, nên chúng có giá trị cao.
“Ta có những cây còn sống sót. Chúng tôi có thể đảm bảo chúng không tuyệt chủng. Việc bảo tồn loài này thành công là hoàn toàn có thể. Chúng được bảo vệ ở Tanzania. Chúng tôi có một loạt cây ở vườn thực vật. Khi có đủ hạt, ta có thể dự trữ chúng để đề phòng”.
Gereau cho biết ông chưa muốn chuyển giao cây, vì lo ngại chúng quá yếu ớt để vượt qua chuyến đi giữa hai lục địa, nhưng nhóm của ông sẽ chủ động chia sẻ hiểu biết với chính phủ Tanzania và các nhà thực vật học tại Đại học Dar es Salaam, nơi đang thực hiện nghiên cứu về loài cây này.
Còn bây giờ, một bông hoa là dấu hiệu đầy hy vọng cho những gì sắp tới. Các nhân viên tại vườn thực vật tại St. Louis rất bất ngờ khi nó nhanh chóng rụng khỏi cây trong chưa đầy 24 tiếng.
“Nó héo và rụng xuống. Tôi nhặt nó lên và đem làm phân bón” – ông Wyatt nói.