Ngày 3/6, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19”.
Tham luận tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, đơn vị hiện đang đàm phán để mở cửa 19 thị trường cho 20 loại sản phẩm (trái cây, hạt giống, gạo, hoa, đậu đỗ, khoai lang…). Hỗ trợ xử lý đàm phán tháo gỡ các tình huống kỹ thuật phát sinh trong quá trình xuất khẩu, đặc biệt là thông báo không tuân thủ liên quan đến kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
Hiện Cục Bảo vệ thực vật cũng đang phối hợp và hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp xây dựng vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu. Chuyển giao và hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương thực hiện các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật phục vụ xuất khẩu.
Liên quan đến sản phẩm động vật, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long cho biết, thời gian qua, xuất khẩu sản phẩm động vật có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện, đã có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu được sữa, mật ong, thịt gà chế biến…
“Trong năm 2021, đơn vị sẽ tham mưu BộNN&PTNT xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án ưu tiên về tăng cường năng lực phòng, chống dịch bệnh, trongđó, tập trung xây dựng các vùng cấp huyện, liên huyện hoặc tỉnh an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức thú y thế giới; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao trong giám sát, phát hiện sớm, cảnh báo và ứng phó hiệu quả dịch bệnh” – ông Long thông tin.
Tại hội nghị, đại biểu các địa phương đánh giá cao nỗ lực, sự hỗ trợ của các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT trong việc hỗ trợ các địa phương nâng cao năng lực sản xuất, bảo quản, chế biến, đặc biệt là tiêu thụ nông sản. Dù vậy, thực tế việc tiêu thụ nông sản, bao gồm cả xuất khẩu hiện nay còn nhiều khó khăn vướng mắc, cần được các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục tích cực triển khai.
Tham luận tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình về sản xuất, nguồn cung, tiêu thụ nông sản trong nước. Bên cạnh đó là diễn biến cung cầu thị trường nông sản.
“Trên cơ sở số liệu thống kê về nguồn cung, chúng tôi đã xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường nhằm thực hiện tốt vai trò định hướng cho tiêu thụ sản phẩm nông sản của TP” – ông Sơn cho biết. Đồng thời nhấn mạnh thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuỗi liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh, TP trong cả nước nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản nói chung.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa qua Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chỉ đạo thành lập các đoàn khảo sát vùng nguyên liệu chính đang vào vụ thu hoạch, lên một số cửa khẩu có lượng hàng hoá nông sản xuất khẩu lớn để kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn.
Ngoài ra, lực lượng cán bộ kiểm dịch ứng trực 24/24h để giải quyết các điều kiện kỹ thuật cho các loại nông sản phục vụ xuất khẩu. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lưu thông hàng hoá trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, vai trò chủ động của Sở NN&PTNT các tỉnh, TP là rất quan trọng. Đặc biệt là trong việc tham mưu UBND các tỉnh, TP có những giải pháp kịp thời để không còn câu chuyện “giải cứu” nông sản.
“Hiện, Bộ NN&PTNT đang hướng đến việc xây dựng các mô hình chuỗi khép kín với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất… Bộ đánh giá các mô hình chuỗi khép kín này sẽ là giải pháp bền vững để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong mùa dịch” – Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Riêng đối với Hà Nội – địa phương có khối lượng tiêu thụ nông sản lớn nhất của cả nước, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Sở NN&PTNT tham mưu UBND TP Hà Nội tổ chức họp trực tuyến với 21 tỉnh, TP trong ban điều phối cung ứng nông sản, thực phẩm cho Thủ đô. Cụ thể hoá bằng văn bản để tiến tới phối hợp xây dựng các chuỗi liên kết khép kín nhằm tiêu thụ nông sản, thực phẩm ổn định, hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh.