Theo một nghiên cứu của Đại học Hong Kong (HKU), gần 90% sản phẩm lươn được bán tại 80 nhà hàng sushi tham gia khảo sát thuộc các loài cực kỳ nguy cấp hoặc có nguy cơ tuyệt chủng.
Hong Kong là thành phố nổi tiếng với nền ẩm thực đa dạng. Các nhà hàng sushi ở đây trở thành điểm đến phổ biến với nhiều người dân. Tuy nhiên, thực khách có thể không nhận ra rằng họ đang tiêu thụ một loài có nguy cơ tuyệt chủng trong các bữa ăn của mình, theo South China Morning Post.
Khai thác quá mức
Các nhà nghiên cứu đã phân tích ADN để kiểm tra các sản phẩm lươn, bao gồm lươn nướng và sushi, được bán trong các nhà hàng.
Kết quả ghi lại gần 50% các mẫu được xác định là lươn châu Âu (Anguilla anguilla) thuộc danh sách động vật nguy cấp. Đây là loài đang bị đe dọa do khai thác quá mức bởi nhu cầu tiêu dùng gia tăng từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản. Hai quốc gia này coi lươn là món ăn ngon và kích thích tình dục.
Lươn châu Âu được liệt kê trong Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài nguy cấp (Cites). Sắc lệnh Bảo vệ các loài động vật và thực vậy nguy cấp yêu cầu phải có giấy phép xuất khẩu và kiểm tra loài này khi đến Hong Kong.
Trong số 80 mẫu, 36 mẫu được xác nhận là lươn châu Âu cực kỳ nguy cấp, 29 mẫu là lươn Mỹ, và 5 mẫu là lươn Nhật Bản.
Lỗ hổng
Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) cho biết kết quả này cho thấy các loài động vật đang tồn tại bất hợp pháp trong chuỗi cung ứng lươn của Hong Kong. Tổ chức này kêu gọi hành động khẩn cấp để ngăn chặn nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã.
Đến nay, Hong Kong vẫn là một trong những trung tâm lớn nhất cho ngành công nghiệp buôn bán trái phép động vật hoang dã, với số vụ bắt giữ động vật hoang dã ở mức kỷ lục.
Vào tháng 2, HKU đã công bố một nghiên cứu cho thấy hàng nghìn loài được buôn bán hợp pháp qua Hong Kong với khả năng truy xuất nguồn gốc không đầy đủ. Cốt lõi của vấn đề nằm ở một hệ thống mã mơ hồ mà quan chức hải quan trên toàn cầu sử dụng để phân loại các loài.
“Các mã được sử dụng cho việc buôn bán lươn quá chung chung và chỉ ghi các sản phẩm là hàng hóa thuộc loài Anguilla. Tuy nhiên, những mã đó không phân biệt giữa các loài Anguilla khác nhau và các giai đoạn sống của chúng”, Jovy Chan, quản lý bảo tồn động vật hoang dã tại WWF, cho biết.
“Dữ liệu thương mại đầy đủ, cụ thể và chính xác rất quan trọng để tạo điều kiện thực hiện các chính sách bảo tồn đối với các loài cá chình. Ngoài lươn châu Âu do Cites quản lý, một số nơi ở khu vực châu Á, ví dụ Philippines, Indonesia và Đài Loan, có lệnh cấm buôn bán lươn châu Âu. Các mã hải quan có vai trò chính đối với các vấn đề về tính hợp pháp, truy xuất nguồn gốc và tính bền vững của lươn”, bà Jovy nói thêm.
David Baker, nhân viên phòng thí nghiệm Pháp y Bảo tồn của HKU và là người dẫn đầu cuộc nghiên cứu về lươn, cho biết kết quả phản ánh lỗ hổng của thị trường bán lẻ.
“Hy vọng của chúng tôi là hợp tác với WWF. Việc này giúp tăng cường giám sát tại các điểm phân phối nhằm ngăn chặn sản phẩm thủy sản có nguồn gốc bất hợp pháp xâm nhập vào thị trường”, ông Baker cho hay.
Năm 2020, HKU đã công bố một nghiên cứu cho thấy gần một nửa số sản phẩm lươn bán lẻ trong các siêu thị và cửa hàng tiện lợi ở Hong Kong là lươn châu Âu vốn đang thuộc diện có nguy cơ tuyệt chủng.
Dựa trên xét nghiệm ADN, nghiên cứu cho thấy gần một nửa (45%) sản phẩm lươn bán lẻ có nguồn gốc từ loài lươn châu Âu cực kỳ nguy cấp. Các sản phẩm chỉ được dán nhãn là “lươn”.
“Người tiêu dùng có quyền biết thực phẩm của họ đến từ đâu và có nguồn gốc theo những cách thức có đạo đức và bền vững hay không. Vấn đề này không chỉ giới hạn ở lươn”, ông Baker nói.