Nhiều Ban quản lý, bảo vệ rừng ở tỉnh Gia Lai mắc sai phạm, dẫn đến việc mất rừng trên quy mô lớn. Trong đó có nhiều chủ rừng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên vẫn còn một số vụ chưa thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can do Công an tỉnh Gia Lai gặp khó trong vấn đề xác định chứng cứ phạm tội.
Rừng bị mất, nhiều chủ rừng tham nhũng
Từ năm 2016 đến nay, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã thanh tra và kết luận tại 25 đơn vị chủ rừng trên địa bàn, trong đó có 21 Ban quản lý rừng phòng hộ, 3 công ty lâm nghiệp và một khu bảo tồn. Thanh tra tỉnh Gia Lai đã chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra 9 vụ, trong đó có 2 vụ đã có quyết định khởi tố vụ án. Qua thanh tra thì phát hiện tổng diện tích rừng bị mất là 9.684ha; với tổng số tiền sai phạm là hơn 27 tỉ đồng. Thanh tra tỉnh Gia Lai đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách hơn 12 tỉ đồng. Các chủ rừng sai phạm đã nộp vào ngân sách nhà nước số tiền hơn 5 tỉ đồng, còn lại số tiền 7 tỉ đồng thì đang được đôn đốc thu hồi.
Từ năm 2016 đến nay thì hầu hết các Ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Gia Lai đều có những sai phạm, từ nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng, hiện đã cảnh cáo 10 cá nhân, khiển trách 14 cá nhân, kiểm điểm rút kinh nghiệm 20 tập thể và 135 cá nhân. Điển hình sai phạm diễn ra tại Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê, Bắc Biển Hồ, Ia Grai, Ya Hội, Đăk Đoa, Đức Cơ, Ia Puch, Ayn Pa, khu bảo tồn Kon Chư Răng…
Đối với Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê, đã để diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm hơn 1.266ha. Diện tích rừng tự nhiên bị mất 221ha. Việc để mất rừng có dấu hiệu vi phạm điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999 về “tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Từ kiến nghị của thanh tra, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản thống nhất chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra.
Tuy nhiên, điều đáng nói là qua kết quả đo đạc, cơ quan Cảnh sát điều tra vẫn chưa xác định được vị trí diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng bạch đàn và rừng keo bị mất, tài sản trên đất của từng giai đoạn hình thành và phát triển của Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê.
Qua nghiên cứu hồ sơ, Công an tỉnh Gia Lai cho rằng, việc xác định hành vi làm mất đất rừng theo tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cũng gặp nhiều vướng mắc. Nguyên do là vụ việc xảy ra trong thời gian dài, không xác định được trữ lượng gỗ chính xác là bao nhiêu mét khối, thời điểm bị lấn chiếm, diện tích rừng tự nhiên bị mất. Hồ sơ vụ việc được Công an tỉnh trả lại cho Thanh tra tỉnh để bước đầu chuyển sang xử lý vi phạm bằng hình thức hành chính.
Thủ đoạn phạm tội của các chủ rừng
Thanh tra tỉnh Gia Lai cũng có thông báo kết luận sai phạm tại Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ. Nhận được hồ sơ, Công an tỉnh Gia Lai đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự và được Tòa án nhân dân tỉnh xét xử trong năm 2019.
Cụ thể, đối với diện tích gần 85.000m2 đất lâm nghiệp tại tiểu khu 389 và một số khu vực khác trên địa bàn TP.Pleiku, đã bị các cá nhân lạm dụng chức vụ, quyền hạn lấn chiếm, sử dụng trái phép. Trong đó có hơn 56.000m2 đã được UBND thành phố Pleiku cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước.
Đối với số tiền sai phạm gần 2,5 tỉ đồng, trách nhiệm thuộc về Trưởng ban Quản lý và các cá nhân thuộc Ban quản lý. Trong đó hơn 1,2 tỉ đồng có dấu hiệu tham nhũng và hơn 1,1 tỉ đồng để ngoài sổ sách kế toán, gây thiệt hại cho ngân sách. Bà Nguyễn Thị Kim Hương – nguyên Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai – có dấu hiệu lợi dụng việc được giao, thực hiện hợp đồng với Ban quản lý về xây dựng hiện trường diễn tập chữa cháy, để tham nhũng và chiếm đoạt số tiền hơn 113 triệu đồng.
Ngoài ra, tại ban này còn có việc dùng gần 500 triệu đồng tiền bán gỗ rừng, đền bù rừng nhưng không nộp ngân sách, hàng chục triệu đồng chi khoản bảo vệ rừng không đúng quy định…
Trong khi đó tại huyện Ia Grai, chủ rừng đã để việc phá rừng, lấn chiếm đất để trồng rừng diễn ra trong nhiều năm nhưng không theo dõi, thống kê được đối tượng, diện tích rừng bị phá, không có báo cáo số liệu cho cơ quan quản lý cấp trên về tình hình vi phạm. Diện tích rừng bị mất, bị cháy gây thiệt hại, lãng phí tài sản nhà nước tương ứng với số tiền hơn 12 tỉ đồng.
Điều đáng nói, Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Grai đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số người dân địa phương, để đưa họ ký một số chứng từ hoặc giả mạo chữ ký trên một số phiếu chi thanh toán chi phí trồng, chăm sóc bảo vệ rừng. Quá xác minh sơ bộ số tiền 2,6 tỉ đồng. Việc làm của chủ rừng có dấu hiệu của việc hợp thức hóa chứng từ, lập khống chứng từ để chiếm đoạt tiền ngân sách.
Ngày 31.8.2020, Công an tỉnh Gia Lai đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Ngô Càng Thanh – nguyên Trưởng ban Quản lý và ông Lê Tiến Hiệp – Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 28.5.2021, ông Nguyễn Phúc – Phó Chánh Thanh tra tỉnh Gia Lai – ký quyết định thu hồi số tiền hơn 3 tỉ đồng, sau khi xem xét các quy định về pháp luật phòng, chống tham nhũng. Theo đó, các đơn vị như Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục chăn nuôi và thú y, Chi cục Kiểm lâm, các Hạt kiểm lâm các huyện và thị xã trên địa bàn có trách nhiệm nộp số tiền sai phạm vào tài khoản của Thanh tra tỉnh. Việc đôn đốc thu hồi tiền thuộc về trách nhiệm Giám đốc Sở NNPTNT, trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày ký.