Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP. Đà Nẵng, hiện chủ yếu trên địa bàn huyện Hòa Vang trong thời gian qua có 28 mỏ khai thác đất, đá… đã hết thời gian hiệu lực cấp phép khai thác, tức là đã đóng cửa mỏ, nhưng hầu hết các mỏ này chưa thực hiện công tác khôi phục, hoàn thổ, cải tạo môi trường sinh thái.
Về lại thôn Phước Thuận – Phước Hậu, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng vào những ngày cuối tháng 5/2021, ông Đinh Ngọc Ngô – nguyên là cán bộ Ban Chủ nhiệm HTX Hòa Nhơn 2, nhà ở ngay đầu thôn Phước Thuận đón chúng tôi bằng lời “tự sự” ngắn gọn của thôn mình rằng: “Làng tôi chẳng “phước”, chẳng “thuận”, chẳng “hậu” chi cả, mà cứ kêu là “làng khổ” cho gọn…!”.
Ông Ngô chỉ ra ngoài đường, đấy các anh xem, cả ngày xe tải chở vật liệu chạy qua lại, bụi mờ mịt, con đường thôn có 800 mét mà làm 3 năm chưa xong, đơn vị thi công cứ đổ đá rải cấp phối xuống là hôm sau xe tải lại cày nát lên… Bụi đất trên đường, bụi từ các mỏ đá bay khắp làng, rồi lại thêm khói bụi từ hai nhà máy gạnh tuy nen ngay sát thôn nữa, người già, trẻ em hầu hết mắc bệnh đường hô hấp…
Cứ thể, ông Ngô kể cái sự “khổ” dài dằng dặc, mà tôi không kịp hỏi thêm câu nào… Chưa hết đâu, tôi trước đây làm địa chính nên nhớ rõ lắm, ông Ngô tiếp tục câu chuyện, cả 2 thôn có hơn 65 ha ruộng trồng lúa, trồng màu, nay chỉ còn chưa đầy 30 ha, mà cũng chỉ trồng được một vụ Đông Xuân, vì nguồn nước đã bị người ta bít mất hết rồi, chỉ trông chờ vào nước trời, năm được năm không… Cả hai thôn Phước Thuận, Phước Hậu bây giờ sát nhập vào làm 1 thôn, hơn 300 hộ dân, trông chờ vào 30 ha ruộng, vụ được vụ mất làm sao sống nổi, ngay nhà tôi trước đây có gần 5 nghìn mét ruộng, bây giờ đất đá vùi lấp hết.
Tất cả vì mấy mỏ khai thác đất đá quanh thôn, ông Ngô kết luận. Ông Ngô đọc vanh vách tên từng mỏ đá cho tôi nghe, nào là mỏ đá doanh nghiệp tư nhân Dũng Thoa, mỏ đá Cầu đường 2, mỏ đá Công ty TNHH Miền Nam, mỏ đá Công ty Huỳnh Sơn, mỏ đá Công ty Công trình đô thị, mỏ đá Đỗ Hữu Minh, mỏ đá Xí nghiệp 33, mỏ đá Công ty CP Chu Lai, mỏ đá Huỳnh May… Bao quanh làng là 8 mỏ khai thác, chế biến đá, đều đã hết hạn khai thác từ cuối năm 2020… nhưng mấy tháng nay vẫn hoạt động rầm rộ, các mỏ vẫn chế biến đá, các xe tải chở đá vẫn chạy rầm rập suốt ngày đêm…Bụi vẫn cuốn mù mịt…
Ông Ngô và bà con trong thôn dẫn chúng tôi ra chân núi Phước Thuận sau làng chỉ cho xem, đấy các anh quan sát, 8 mỏ đá tạo thành một hình vòng cung bao quanh làng, hơn 10 năm qua, từ việc khai thác đá, bồi lấp gần 40 ha ruộng của người dân, lấp kín dòng suối khe Phước Thuận, biến cả thôn thành vùng khô cằn, ô nhiễm…
Cùng với các mỏ đá, cả dãy núi Phước Thuận bây giờ cũng trọc lốc, nham nhở từ việc khai thác đất san lấp mặt bằng cách đây 2 năm về trước. Mấy năm qua, bà con trong thôn đã kiến nghị nhiều lần, nhưng vẫn chưa thấy sự giải quyết của chính quyền và ngành chức năng, năm 2019 những hộ bị mất đất sản xuất có được hỗ trợ 1,5 triệu đồng trên 500m2, còn việc cải tạo, hoàn thổ lại ruộng đất đã bị vùi lấp vẫn rơi vào im lặng…
Vấn đề hoàn thổ, cải tạo lại môi trường sinh thái tại các mỏ đã hết hạn khai thác cũng được Ban Thường vụ Huyện ủy Hòa Vang đề cập đến nhiều lần trong những năm qua. Mới đây nhất, đầu tháng 4/2021, Ban Thường vụ Thành ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Hòa Vang về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 03 ngày 30/12/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy, trong các ý kiến của các ngành chức năng, lãnh đạo Sở TN-MT thành phố cũng đã nêu về vấn đề, tại thành phố Đà Nẵng, mà chủ chủ yếu trên địa bàn huyện Hòa Vang đang tồn tại 28 mỏ đã hết hạn khai thác, nhưng chưa phục hồi hoàn thổ, cải tạo môi trường.
Những thực tế chúng tôi đã nêu ở thôn Phước Thuận, Phước Hậu là hậu quả của tình trạng khai thác mỏ, không chấp hành đúng quy định pháp luật, không chỉ ở khu vực Hòa Nhơn mà còn ở nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.