Sáng 30/5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã họp khẩn với Thành phố Hồ Chí Minh để triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tham dự cuộc họp có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM và các sở, ngành, quận huyện.
Giãn cách xã hội từ 0.00′ ngày 31/5
Sau khi nghe báo cáo của Sở Y tế và các quận huyện, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, trước tình hình diễn biến phức tạp như thế này chúng ta phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.
Chỉ thị nói không tụ tập trên 10 người trở lên ngoài công sở, trường học, bệnh viện; đề nghị Sở Y tế nghiên cứu thực hiện không phải từ 10 người trở nên mà chỉ 5 người thôi và số biện pháp tăng cường hơn nữa.
“Chúng ta thực hiện giãn cách xã hội tại TP là Chỉ thị 15 “cộng” (có tăng cường hơn so với Chỉ thị 15). Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (Quận 12) phong tỏa trong 15 ngày. Các biện pháp này được áp dụng kể từ 0 giờ ngày 31/5”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Phong tỏa quận Gò Vấp
Việc phong tỏa quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) theo nguyên tắc gia đình cách ly gia đình, khu phố cách ly khu phố, phường cách ly phường. Đề nghị triển khai thực hiện nghiêm các Chỉ thị của UBND TP trước đó.
Trong đó doanh nghiệp sản xuất, các cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu vẫn hoạt động nhưng phải thực hiện nghiêm quy định trong phòng chống dịch.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu, ngành y tế tiến hành lấy mẫu và xét nghiệm trên diện rộng toàn TP. Trước mắt triển khai lấy mẫu ngay tất cả các đơn vị bầu cử, tổ công tác bầu cử đối với các thành viên Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.
Cho rằng với lực lượng của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) và trung tâm y tế các quận huyện sẽ không đủ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong mong muốn trường Đại học Y dược TPHCM và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch phối hợp cùng HCDC tổ chức các tổ lấy mẫu xét nghiệm; cố gắng 1 ngày lấy ít nhất 50.000 mẫu đơn.
Bên cạnh khai báo y tế, các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người lao động. “Hiện nay tính riêng lực lượng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là 280.000 lao động và 3000 chuyên gia cần lấy mẫu xét nghiệm hết. Người công nhân ra khỏi nhà máy, nơi là việc, sản xuất phải báo cáo người quản lý nhân sự; khi về phải khai báo y tế đàng hoàng”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Tạm dừng kỳ thi tuyển sinh lớp 10
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cần dừng lại cho đến khi có thông báo mới. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các Chỉ thị của UBND TPHCM trước đó về công tác phòng chống dịch, trong đó có việc chấp hành tạm dừng hoat động cơ sở ăn uống. Lãnh đạo các sở, ngành kiểm tra nghiêm túc bộ chỉ số an toàn trong từng lĩnh vực. Trong quá trình thực hiện thấy cần thiết bổ sung nào phải kịp thời báo cáo.
Đối với chợ đầu mối, phải nhanh chóng có quy định áp dụng cho chợ đầu mối và có phương án ứng phó khi có dịch bệnh xuất hiện. Các quận huyện phải có Tổ an toàn COVID-19, ở những nơi diễn biến phức tạp phải có Tổ ứng phó khẩn cấp.
Sở Công Thương, Sở Du lịch và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cần nắm cho chắc những khó khăn của các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp sản xuất nhỏ để có biện pháp tháo gỡ hỗ trợ. Vấn để an toàn cho người lao động được đặt lên hàng đầu nhưng cũng sẽ giải quyết các vấn đề thuộc về sản xuất, thuộc về hoạt động của doanh nghiệp đó.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu người dân TPHCM tự giác chấp hành các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; khai báo y tế tự nguyện; thực hiện các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình; tham gia có trách nhiệm với cộng đồng trong phòng chống dịch, tham gia với các cơ quan phòng chống dịch. Người đứng đầu các doanh nghiệp, cơ sản xuất kinh donh chịu trách nhiệm các biện pháp phòng chống dịch tại đơn vị minh để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động.
Tập trung toàn lực ngăn chặn dịch bệnh
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM hoan nghênh Ban chỉ đạo đã tổ chức cuộc họp kịp thời, hoan nghênh sự nỗ lực cố gắng hết mình của các lực lượng những ngày qua, tập trung, phối hợp, tổ chức thực hiện phòng chống dịch. Các đơn vị đã có nhiều linh hoạt, sáng tạo, xử lý các vấn đề liên quan phòng chống dịch và chi sẻ những khó khăn mà các đồng chí đã trải qua.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, thời gian qua TPHCM đã kiểm soát tình hình dịch bệnh nhưng đến hôm nay chúng ta “thủng lưới” bởi một trường hợp phạm luật đặc biệt. Từ tình huống đó, tạo cho chúng ta vào một diễn biến hết sức phức tạp, hết sức khó khăn đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm, toàn lực, tập trung cao nhất và có hiệu quả nhất.
“Đây là thử thách lớn với chúng ta, thử thách lớn với từng đồng chí trên từng cương vị của mình”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh và tin tưởng với tinh thần trách nhiệm cao nhất chúng ta sẽ chiến thắng.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, thời gian qua số ca lây nhiễm không ngừng tăng. Tại điểm lây nhiễm quận 3 với 5 ca mắc, nhưng đến giờ này vẫn chưa tìm ra nguồn lây, trong khi đó, chúng ta lẫy mẫu sàng lọc gần 2.400 mẫu nhưng vẫn chưa tìm ra được, cần hết sức lưu ý. Điểm thứ 2 là chuỗi lây nhiễm ở phường 3, quận Gò Vấp, giờ đã trở thành chuỗi lây nhiễm cực kỳ nguy hiểm lan rộng ra 16 quận huyện, TP. Thủ Đức và các tỉnh lân cận.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng, chúng ta cần hình dung TPHCM có những đội biệt kích nó đang rình rập, sẵn sàng hành động bất cứ lúc nào và ở đâu mà chúng ta chưa phát hiện được và chúng ta cần hành động tương xứng với tình hình đó. Từ tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát có thể vượt tầm kiểm soát, đặt cho TPHCM một trách nhiệm trước tình hình mới hết sức bình tĩnh, dự báo sát tình hình đưa ra giải pháp ngăn chặn hiệu quả nhất có thể.
Chấp nhận “hy sinh 2 tuần” để bảo vệ lâu dài
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, thời gian lúc này rất quan trọng khi chúng ta chưa có thể đón đầu nhưng chúng ta có thể truy vết một cách chính xác, buộc chúng ta phải hành động rộng hơn để kéo giảm tình hình và ngăn chặn được. Chúng ta phải chấp nhận giải pháp cách ly, giãn cách trong thời gian hai tuần. Buộc phải chấp nhận hy sinh hai tuần để bảo vệ lâu dài.
“Hai tuần đối với TPHCM rất lớn, nhưng chúng ta không có cách nào khác chúng ta phải chọn cách ít xấu nhất. Hai tuần chúng ta nâng biện pháp tương xứng là cách ly và giãn cách, thực hiện theo Chỉ thị 16 và 15. Thực hiện Chỉ thị 16 đối với những điểm ở quận Gò Vấp, đa số các phường quận Gò Vấp đã bị hết rồi, chúng ta xem phường nào có thể giãn cách, phường nào có thể cách ly và phần còn lại của TP sẽ thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, cách ly và giãn cách để chúng ta tầm soát và mở rộng có trọng tâm, trọng điểm nhất là những nơi buộc phải hoạt động liên tục như các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở sản xuất kinh doanh. Cần hoãn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sau hai tuần, hoặc có thể 1 tháng thì có thể tổ chức thi lại. Đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị Sở LĐ-TBXH, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội phối hợp chặt chẽ với các địa phương đặc biệt quan tâm, rà soát, nắm chặt số người bị ảnh hưởng trực tiếp có kế hoạch hỗ trợ kịp thời, đảm bảo đời sống cho họ theo kế hoạch đã đề ra.
Trong khi chưa có vaccine thì cần chủ động phòng thủ, chủ động tấn công, chủ động đối phó. “Không có biện pháp nào tốt hơn bằng biện pháp 5K và sử dụng lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Về lực lượng chúng ta cần tăng cường cần báo cáo, trước mắt sử dụng lực lượng các em trường y. Chúng ta tăng cường kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện, uốn nắn và xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật” – đồng chí Nguyễn Văn Nên nêu rõ.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, biểu dương sự vào cuộc kịp thời của TPHCM trong phát hiện, khoanh vùng, dập dịch cùng với nhiều giải pháp quyết liệt trong ngăn chặn dịch bệnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, từ thực tế của đợt bùng phát dịch bệnh lần này, phải nghiêm túc rà soát lại hoạt động của các hội nhóm trên địa bàn gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương; xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch của TPHCM nói riêng, cả nước nói chung.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị thành phố cần tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt, chủ động, khẩn trương truy vết các ca bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng, nhất là những trường hợp liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng để chặn đứng chuỗi lây nhiễm, không để dịch bệnh lây lan vào nhà máy, xí nghiệp, trường hợp,… phải huy động cả hệ thống chính trị, sức mạnh của nhân dân vào cuộc ứng phó dịch bệnh.
Nhấn mạnh yêu cầu thực hiện “mục tiêu kép”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý, TPHCM trong khi thực hiện giãn cách xã hội vẫn phải đảm bảo hoạt động sản xuất tại các nhà máy, xí nghiệp…. Theo đó, thành phố phải có giải pháp tổ chức sản xuất thật chặt chẽ, có quy trình, quy chế, kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt về phòng dịch, bảo đảm sản xuất phải an toàn, nhằm mục tiêu không để đứt gãy hoạt động sản xuất.
Đồng thời, cần triển khai xét nghiệm cho cán bộ, công nhân, người dân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các khu vực có nguy cơ,… để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm COVID-19, đảm bảo ngăn ngừa hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh.
Về tiêm vaccine, ngoài các nhóm đối tượng ưu tiên theo quy định, TPHCM cần nghiên cứu đề xuất cấp trên giải pháp tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất,…
Đồng thời, TPHCM cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh tại các cơ quan, tổ chức, xí nghiệp, trường học,… để người dân hiểu, thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K+vaccine” trong phòng chống dịch bệnh.
Ngoài ra, TPHCM cũng cần có phương án cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu, đảm bảo đời sống cho người dân.