Trung tâm Giống nông nghiệp Phú Yên vừa thông báo kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường nước định kỳ các vùng nuôi tôm hùm lồng, bè tại thị xã Sông Cầu (Phú Yên).
Theo đó, qua kết quả quan trăm môi trường cho thấy có một số chỉ tiêu nằm ngoài ngưỡng giới hạn cho phép. Cụ thể, chỉ tiêu NH3 dao động 0,21 – 0,25mg/l vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại 2/12 vị trí quan trắc và gấp từ 2,1- 2,5 lần tại các vùng nuôi Dân Phú (tầng đáy) và Phước Lý (tầng đáy).
Theo Trung tâm Giống nông nghiệp Phú Yên, chỉ tiêu NH3 có biến động tăng so với quan trắc môi trường lần 1 vào ngày 17/5 vừa qua. Bên cạnh đó hàm lượng DO dao động 1,8 – 4,8mg/l) thấp hơn ngưỡng giới hạn cho phép tại 5/12 vị trí quan trắc (tại các vùng nuôi Phú Dương (tầng giữa và đáy), Dân Phú (tầng giữa và đáy) và Phước Lý (tầng đáy).
Có thể nói hàm lượng DO tăng 3 vị trí nằm ngoài ngưỡng giới hạn cho phép so với kết quả quan trắc môi trường vào ngày 17/5 vừa qua và đang có xu hướng biến động giảm. Tuy nhiên người nuôi lưu ý, hàm lượng DO tại các tầng đáy của các vùng nuôi đang rất thấp so với ngưỡng giới hạn cho phép.
Còn đối với mật độ vibrio tổng số là 2720CFU/ml) vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại 1/12 vị trí quan trắc và gấp 2,7 lần so với ngưỡng giới hạn cho phép tại vùng nuôi Phú Dương (tầng đáy).
Trong khi đó, theo bản tin dự báo thời tiết các tỉnh Nam Trung bộ từ ngày 29/5 đến 6/6 tới, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng nóng. Và với kết quả quan trắc môi trường cho thấy oxy hòa tan tại các tầng đáy của vùng nuôi đang rất thấp so với ngưỡng giới hạn cho phép.
Trước tình hình trên, Trung tâm Giống nông nghiệp Phú Yên khuyến cáo người nuôi nên duy trì lồng nuôi tại tầng giữa hoặc cách đáy khoảng 1,5 – 2m để tránh thiếu oxy cục bộ cho tôm nuôi. Bên cạnh đó dùng lưới lan (hai lớp) che mát trên mặt lồng nhằm làm giảm cường độ ánh sáng và chống tôm bị stress, treo các túi vôi ở các góc lồng nhằm hạn chế tảo tàn do mưa dông, sát trùng môi trường nước, ổn định pH tạm thời…
Trong trường hợp trời oi, đứng gió cần phải sục khí tạm thời để cung cấp oxy hòa tan cho tôm nuôi, nhất là các vùng nuôi Xuân Phương và Xuân Yên đang có DO (tầng đáy) rất thấp. Ngoài ra, hiện nay trời nắng nóng các hộ nuôi phải thường xuyên theo dõi diễn biến môi trường, màu nước chú ý kiểm tra sự phân tầng của nước như nhiệt độ, độ mặn, Oxy hòa tan. Cũng như theo dõi hoạt động, sức khỏe tôm nuôi để có những giải pháp sử lý kịp thời. Khi môi trường có những biến đổi bất thường cần phản ánh kịp thời đến cơ quan chức năng.
Đồng thời dãn khoảng cách giữa các lồng nuôi, cần tăng cường vệ sinh lồng, bè nuôi (thu gom vỏ tôm lột, vỏ nhuyễn thể làm thức ăn cho tôm hùm, các bao đựng thức ăn đưa vào đất liền và xử lý chất thải theo đúng qui định) tạo sự thông thoáng cho lồng nuôi và vùng nuôi.
Thời tiết nắng nóng, người nuôi nên chủ động giảm lượng thức ăn phù hợp tránh để thức ăn dư thừa tầng đáy gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Nên lựa chọn nguồn thức ăn tươi, đảm bảo chất lượng, định kỳ nên bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin và khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi tránh các tác nhân gây bệnh.
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, toàn tỉnh hiện khoảng 78.220 lồng nuôi tôm hùm, trong đó huyện Tuy An gần 7.700 lồng, thị xã Đông Hòa 13.645 lồng và thị xã Sông Cầu khoảng 56.875 lồng. Đối tượng nuôi gồm 5 loài tôm hùm bông, tôm hùm xanh, tôm hùm sỏi, tôm hùm tre và tôm hùm đỏ. Những năm gần đây sản lượng giống tôm hùm bông giảm do giá giống cao, thời gian nuôi dài và chi phí cao nên người nuôi đã chuyển dần sang nuôi tôm hùm xanh. Bởi tôm hùm xanh giá giống rẻ và thời gian nuôi ngắn hơn. Do đó hiện toàn tỉnh thả nuôi khoảng 90% tôm hùm xanh. Với tổng sản lượng tôm hùm thu hoạch hàng năm đạt trên 700 tấn.
Theo tìm hiểu chúng tôi, những năm gần đây các kết quả quan trắc môi trường nước tại vùng nuôi tôm hùm ở thị xã Sông Cầu cho thấy các chỉ tiêu đều bất lợi cho quá trình nuôi tôm.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết, việc nuôi trong đầm, vịnh kín với mật độ dày, kéo dài nhiều năm dẫn đến môi trường bị ô nhiễm. Từ đó các chỉ tiêu trực tiếp tác động lên sức khỏe tôm, cá nuôi như NH3, PO4 , DO, Vibrio… thường vượt ngưỡng cho phép, tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây thiệt hại lớn cho người nuôi và xã hội khi có sự cố môi trường, dịch bệnh xảy ra.