Tình trạng trả lại cũng như thiêu hủy vaccine Covid-19 xảy ra ở nhiều quốc gia châu Phi dù đa phần người dân các nước này chưa được tiêm chủng.
Các nước châu Phi đã trả lại, thậm chí phá hủy hàng trăm nghìn liều vaccine Covid-19, bất chấp tỷ lệ tiêm chủng ở châu lục này thuộc hàng thấp nhất thế giới.
Nguyên nhân đến từ khả năng tổ chức tiêm chủng yếu kém của các nước châu Phi cũng như sự hoài nghi của người dân, theo BBC.
Chuyện gì đang xảy ra ở châu Phi?
Mới đây, hai quốc gia châu Phi là Malawi và Nam Sudan gây sốc khi tuyên bố thiêu hủy hàng chục nghìn liều vaccine Covid-19. Cụ thể, Malawi đã thiêu hủy 20.000 liều vaccine AstraZeneca. Trong khi đó, Nam Sudan thiêu hủy 59.000 liều.
Số vaccine hai nước nhận được đến từ Liên minh châu Phi. Tuy nhiên, Malawi và Nam Sudan không thể kịp sử dụng số vaccine này để tiêm chủng cho người dân trước ngày hết hạn 13/4.
“Dù việc bỏ phí vaccine là điều rất đáng tiếc đối với chương trình tiêm chủng của bất cứ quốc gia nào, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo số vaccine hết hạn nên được phá hủy theo cách an toàn”, đại diện WHO thông báo.
Trong khi đó, Cộng hòa Dân chủ Congo cho biết nước này không thể sử dụng phần lớn trong tổng cộng 1,7 triệu liều vaccine AstraZeneca nhận được trong khuôn khổ chương trình COVAX.
Lô vaccine từ COVAX sẽ hết hạn sử dụng ngày 24/6 tới đây. Congo hiện đã gửi số vaccine này tới Ghana và Madagascar.
Ngoài số vaccine nhận từ Liên minh châu Phi đã bị hủy, Nam Sudan cũng trả lại 72.000 liều vaccine mà nước này được chương trình COVAX cung cấp.
Trước đó, Nam Sudan nhận 132.000 liều vaccine AstraZeneca từ COVAX hồi tháng 3. Hạn sử dụng của lô vaccine này là cuối tháng 6. Nam Sudan tới nay mới chỉ sử dụng 10.000 liều vaccine. Nước này sẽ tiếp tục tiêm chủng 50.000 liều trước khi vaccine hết hạn.
Vì sao số vaccine không được sử dụng?
Vaccine của AstraZeneca có thể được bảo quản an toàn tại nhiệt độ tủ lạnh thông thường trong thời gian 6 tháng.
Theo Politico, Vaccine Covid-19 thường được các nhà sản xuất cất giữ và chỉ được vận chuyển sau khi nước chủ nhà cấp phép. Vì thế, khi vaccine AstraZeneca đến châu Phi, thời gian sử dụng còn lại là không nhiều.
Liên minh châu Phi ban đầu gửi một triệu liều vaccine AstraZeneca cho Nam Phi vào tháng 2. Lô vaccine này hết hạn vào 13/4.
Thế nhưng, chính phủ Nam Phi quyết định không sử dụng số vaccine này, bởi lo ngại vaccine AstraZeneca không không phù hợp để đối phó với biến chủng virus phổ biến ở nước này – B.1.351.
Đến cuối tháng 3, số vaccine AstraZeneca của Nam Phi được chuyển giao cho các nước châu Phi khác. Nhưng lúc này, thời gian còn lại là không đủ để các nước tiếp nhận kịp triển khai tiêm chủng.
Nam Sudan là một trong các nước tiếp nhận lô vaccine nói trên, nhưng thời điểm đó quốc gia này không được biết về thời hạn sử dụng.
Nigeria – một nước khác cũng tiếp nhận vaccine từ Nam Phi – cho biết không đủ khả năng sử dụng toàn bộ số vaccine. Vì thế, Nigeria chuyển một phần số sang hai nước láng giềng là Togo và Ghana.
Theo WHO, chỉ Togo và Gambia xác nhận đã sử dụng toàn bộ số vaccine trước ngày hết hạn.
Đối với số vaccine được COVAX cung cấp, tình trạng tương tự cũng xảy ra, khi nhiều nước châu Phi không thể sử dụng toàn bộ vaccine kịp thời hạn.
Lý do châu Phi không thể đẩy nhanh tiêm chủng
Bà Phiona Atuhebwe, đại diện WHO ở châu Phi cho biết nhiều quốc gia ở châu lục này không chuẩn bị cơ sở hạ tầng cũng như công tác hậu cần phù hợp trước khi tiếp nhận vaccine.
“Đó là một trong các lý do tốc độ tiêm chủng vaccine diễn ra chậm”, bà Atuhebwe nói.
Nam Sudan cho biết ngoài vấn đề các nguồn lực hạn chế, nước này cũng gặp khó khăn bởi nhiều nhân viên y tế không sẵn sàng tiêm vaccine Covid-19.
Một quan chức Bộ Y tế Nam Sudan cũng thừa nhận việc quốc hội nước này chậm phê chuẩn cho phép sử dụng các loại vaccine. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nhân viên y tế phục vụ tiêm chủng cũng không theo kịp yêu cầu.
“Cả châu lục nói chung hiểu rõ cần làm gì trong tiêm chủng, họ đã tiêm chủng cho các loại bệnh khác. Nhưng mấu chốt là mở rộng quy mô và tiến hành tiêm chủng nhanh chóng”, John Nkengasong, giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Phi, cho biết.
Với Congo, vấn đề không chỉ là hệ thống dịch vụ y tế yếu kém. Hệ thống giao thông nghèo nàn ở quốc gia này khiến việc vận chuyển vaccine tới những khu vực xa xôi, hẻo lánh trở thành thách thức lớn.
Tình hình càng thêm phức tạp khi Congo đình chỉ kế hoạch tiêm chủng vaccine AstraZeneca hồi giữa tháng 3, khi xuất hiện những lo ngại về an toàn của vaccine này. Việc tiêm chủng chỉ được khôi phục từ 19/4.
Người dân không sẵn sàng tiêm vaccine
Một số thành viên chính giới cũng như các nhà khoa học cho rằng lo ngại đối với sự an toàn và tính hiệu quả của vaccine là nguyên nhân khiến tốc độ tiêm chủng ở nhiều nước châu Phi bị chậm lại.
“Mất không ít thời gian để thuyết phục người dân. Vấn đề không chỉ là họ ngần ngại tiêm chủng, họ thậm chí hoài nghi vaccine”, Bộ trưởng Y tế Sierra Leon Austin Demby cho biết.
Ông Gama Bandawe, chuyên gia virus học từ Malawi, cho biết hoài nghi đối với vaccine là một trong những tác nhân không nhỏ khiến nước này không thể sử dụng toàn bộ số vaccine được chuyển giao.
Khi Nam Phi, một trong những quốc gia phát triển nhất châu lục, dừng sử dụng vaccine AstraZeneca bởi lo ngại về hiện tượng cục máu đông, người dân các nước càng thêm hoài nghi loại vaccine này.
“Chính phủ đã làm những gì họ có thể, nhưng có lẽ phần đông công chúng không đón nhận như kỳ vọng”, ông Bandawe nói.
Một nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Phi đối với nhận thức về vaccine ở 15 nước châu Phi cho thấy một bộ phận không nhỏ người dân còn lo ngại về tính an toàn của vaccine.
Trung bình, khoảng 20% người được hỏi cho biết họ sẽ không tiêm vaccine. Tuy nhiên, tỷ lệ này có sự khác biệt giữa từng nước. Ở Congo, số người nói không muốn tiêm chủng lên đến 41%.