Cách Trung Quốc thâu tóm tài nguyên tại Thái Bình Dương

Trở thành nhà nhập khẩu số 1 của Thái Bình Dương với các mặt hàng gỗ, khoáng sản và hải sản đang là cách mà Trung Quốc thúc đẩy quyền lực mềm của mình nhằm gia tăng cạnh tranh với sức ảnh hưởng của Mỹ và Australia trong khu vực.

Phân tích dữ liệu thương mại của Guardian cho thấy trong năm 2019 Trung Quốc đã tiếp nhận hơn một nửa tổng số tấn hải sản, gỗ và khoáng sản xuất khẩu từ khu vực Thái Bình Dương trị giá tới 3,3 tỷ USD – con số mà các chuyên gia đánh giá là “đáng kinh ngạc”, nhiều hơn tổng số tài nguyên nhập khẩu trong khu vực từ 10 quốc gia tiếp theo cộng lại.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo hoạt động khai thác hàng loạt này sẽ gây tác động môi trường nghiêm trọng và tạo ra thách thức vô cùng lớn cho sự phát triển bền vững.

Năm 2019, Trung Quốc nhập 4,8 triệu tấn gỗ; 4,8 triệu tấn sản phẩm khoáng sản và 72.000 tấn hải sản từ Thái Bình Dương, trở thành khách hàng lớn nhất trong khu vực dù tính theo khối lượng hay đô la Mỹ.

Khách hàng lớn tiếp theo đối với các nguồn tài nguyên khai thác của Thái Bình Dương là Nhật Bản khi nhập 4,1 triệu tấn khoáng sản (chủ yếu là dầu mỏ), 370.000 tấn gỗ, 24.000 tấn thủy sản và Australia nhập khẩu 600.000 tấn khoáng sản, 5.000 tấn gỗ và 200 tấn thủy sản.

Ngoài nhập khẩu tài nguyên trực tiếp, dữ liệu từ Viện Doanh nghiệp Mỹ cho thấy các công ty Trung Quốc cũng đổ hơn 2 tỷ đô la Mỹ vào hoạt động khai thác mỏ tại Thái Bình Dương trong 2 thập kỷ qua bao gồm các dự án mỏ Porgera, Ramu Nickel và Frieda River ở Papua New Guinea.

Nhà nghiên cứu Shane Macleod tại Viện Lowy cho rằng sở dĩ Trung Quốc là khách hàng chiếm ưu thế của các nguồn tài nguyên ở Thái Bình Dương là do vị trí nằm gần khu vực và nhu cầu nhập khẩu để tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế.

Nhập gỗ rủi ro cao

Papua New Guinea, quần đảo Solomon và các quốc gia Vanuatu, Tonga, Palau thường xuyên chuyển hơn 90% lượng gỗ xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, con số này chưa nói lên điều gì bởi nó chiếm chưa đầy 10% lượng gỗ xuất khẩu của Malaysia – một nhà sản xuất lớn hơn nhiều và bản thân các công ty Malaysia cũng đang thống trị việc khai thác gỗ ở Papua New Guinea cùng quần đảo Solomon. Điều đáng chú ý là trong tổng lượng gỗ tròn được xuất khẩu từ quần đảo Solomon sang Trung Quốc thì một số ước tính cho thấy gỗ bất hợp pháp chiếm tới 70%.

Trung Quốc thường xuyên tuyên bố chủ quyền với hơn 90% tổng số tấn gỗ xuất khẩu của Papua New Guinea và quần đảo Solomon (Ảnh: Alessio Bariviera)

Theo các chuyên gia, bên cạnh lý do vị trí địa lý và nhu cầu phát triển kinh tế, một trong những yếu tố chi phối đến quy mô nhập khẩu gỗ của Trung Quốc là việc nước này thiếu luật chống nhập khẩu gỗ bất hợp pháp và trách nhiệm giải trình kém đối với các tác động môi trường hoặc xã hội. Hiện đất nước tỉ dân không có luật nào cấm nhập khẩu gỗ được sản xuất bất hợp pháp một cách rõ ràng trong khi Papua New Guinea và quần đảo Solomon là những khu vực bị hoành hành bởi nạn tham nhũng và là những nhà sản xuất gỗ có rủi ro cao.

Điểm đáng lưu ý là việc khai thác gỗ diễn ra trong khu vực tác động rất lớn đến cộng đồng. “Hầu hết những khúc gỗ được sản xuất bất hợp pháp, thường liên quan đến vi phạm quyền đất đai. Đây không phải là một khái niệm trừu tượng ở Papua New Guinea mà là một khái niệm có tác động thực tế đối với vô số người dân trên khắp đất nước. Hầu hết các cộng đồng nông thôn phụ thuộc trực tiếp vào đất và rừng. Khi rừng biến mất hoặc bị đánh cắp, tác động của nó sẽ rất nghiêm trọng”, Lela Stanley, cố vấn chính sách tổ chức Global Witness nhận định.

Trong khi Luật Lâm nghiệp mới của Trung Quốc có hiệu lực vào tháng 7/2020 nhằm mục đích thúc đẩy thương mại gỗ bền vững cũng như bảo vệ rừng của Trung Quốc, vẫn có những lo ngại đáng kể về cách làm của một số công ty tại quốc gia này.

Lập đội tàu cá vét cạn hải sản

Đánh bắt cá là một nguồn thu nhập khổng lồ đối với nhiều quốc gia nhỏ ở Thái Bình Dương nhưng phần lớn họ không thể khai thác hết giá trị của nguồn tài nguyên này. Ngoài Fiji, các quốc gia Thái Bình Dương chưa thể nâng cao chuỗi giá trị vào chế biến của cá thành các sản phẩm có giá trị hơn. Đơn cử như Kiribati – nơi 75% nguồn thu đến từ phí và thuế đánh bắt cá nhưng Kiribati xuất khẩu trực tiếp rất ít. Trong khi đó, các tàu mang cờ nước ngoài lại cập cảng hàng trăm hàng nghìn tấn cá ở vùng biển Kiribati.

Tàu đánh cá Trung Quốc bị chính quyền Palauan bắt giữ vì nghi khai thác hải sâm trái phép (Ảnh: Richard Brooks / Lightning Strike Media Productions)

Một cuộc khảo sát về tàu thuyền hoạt động ở Thái Bình Dương vào năm 2016 cho thấy các tàu gắn cờ Trung Quốc chiếm số lượng lớn hơn bất kỳ quốc gia nào. Trung Quốc có 290 tàu công nghiệp được cấp phép hoạt động trong khu vực vào thời điểm đó, chiếm hơn 1/4 tổng số tàu trong khu vực và hơn 240 tàu từ tất cả các quốc gia Thái Bình Dương cộng lại.

Bên ngoài Papua New Guinea, rất ít hoạt động đánh bắt xa bờ ở Thái Bình Dương được thực hiện bởi các tàu gắn cờ địa phương. Thay vào đó, đánh bắt địa phương tập trung ở các vùng nước ven biển. Có những loài có giá trị cao ở vùng biển này, chẳng hạn như hải sâm nhưng nhiều loại thủy sản ven biển bị đánh bắt quá mức hoặc tuyệt chủng vì mục đích thương mại. Thị trường chính của hải sâm là miền Nam Trung Quốc nhưng chúng đã bị đánh bắt quá mức ở Papua New Guinea đến mức chính phủ phải ngừng đánh bắt trong vài năm.

Đầu tư khai thác mỏ gây hệ lụy nghiêm trọng

Quần đảo Solomon chuyển hầu hết các sản phẩm khoáng sản của mình sang Trung Quốc, phần lớn trong số đó là quặng nhôm.

Trong khi đó, tại Papua New Guinea, khoáng sản chiếm hơn 90% tổng giá trị xuất khẩu của nước này nhưng chỉ hơn 30% tính theo khối lượng được chuyển đến Trung Quốc.

Australia cũng tham gia sâu vào khai thác ở Papua New Guinea khi kiểm soát nhiều mỏ lớn nhất và nhập 2,5 tỷ đô la vàng vào năm 2019. Australia lấy gần như 100% vàng từ Fiji và khoảng 80% từ Papua New Guinea nhưng xét về khối lượng thì chưa là gì so với các mặt hàng khoáng sản được xuất sang Trung Quốc.

Dù vậy, nhà nghiên cứu Shane McLeod thuộc Viện Lowy cho rằng sự khác biệt đáng kể giữa các đối tác thương mại Trung Quốc và Australia là cách các công ty có trách nhiệm giải trình đối với các vấn đề xã hội và môi trường.

Các hoạt động khai thác quy mô lớn ở Papua New Guinea do các nhà đầu tư từ Anh, Australia và Trung Quốc thực hiện gây tác động môi trường vô cùng lớn. Tuy nhiên, “các công ty Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài lại thường không chịu sự giám sát kỹ lưỡng từ thị trường nội địa của họ giống như các công ty từ các quốc gia phương Tây”, Shane McLeod cho biết.

Mỏ Panguna đã châm ngòi cho cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ ở khu tự trị Bougainville của Papua New Guinea. Ảnh: Ilya Gridneff / AAP

Năm ngoái, chính phủ Papua New Guinea đã hủy hợp đồng khai thác mỏ Porgera thuộc một phần sở hữu của Trung Quốc với tuyên bố nước này không nhận được sự chia sẻ công bằng trong các dự án tài nguyên thiên nhiên lớn. Các dự án nối gót tiếp theo có sẽ được tiến hành với các mỏ được đề xuất từ ​​cả các công ty Úc và Trung Quốc ở Papua New Guinea bởi những đơn vị này vốn dĩ đang phải đối mặt với sự cản trở vì lý do môi trường và văn hóa.

Hoa Dương (Theo theguardian.com)

Nguồn: