Quảng Nam là địa phương đầu tiên của cả nước đề xuất Thủ tướng Chính phủ thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua dự án hoạt động chống mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng (REDD+). Tiềm năng của thị trường này ra sao; cơ chế chính sách quản trị rừng; hiệu quả kinh tế – xã hội và môi trường như thế nào sẽ được đề cập trong Đề án của UBND tỉnh về thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng từ hoạt động REDD+.
Đa lợi ích nhờ làm giàu hệ sinh thái rừng
Với đề xuất xuất khẩu tín chỉ các-bon rừng ra thế giới, Quảng Nam muốn chứng tỏ năng lực phục hồi và phát triển hệ sinh thái rừng tương lai.
Bán giấy phép các-bon rừng
Từ năm 2007, thế giới hình thành thị trường tín chỉ các-bon rừng theo cơ chế được xác lập trong khuôn khổ Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc. Theo cơ chế trao đổi tín chỉ các-bon, các nước phát triển có hạn ngạch phát thải khí nhà kính thấp, đang phát thải vượt quá hạn ngạch cho phép sẽ tìm mua tín chỉ/giấy phép các-bon rừng từ kết quả hoạt động REDD+ tại các nước đang phát triển chưa sử dụng hết hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
Đây là loại hình thị trường các-bon tự nguyện ngoài Nghị định thư Kyoto trên cơ sở hợp tác theo thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia trong mua bán, chuyển nhượng tín chỉ các-bon rừng được hình thành từ các dự án REDD+. Hiệp định Paris thực hiện Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 2015 đã khuyến khích các nước tự do trao đổi, chuyển nhượng thương mại tín chỉ các-bon rừng.
Trong khuôn khổ hoạt động REDD+, dự án Trường Sơn Xanh đã xây dựng bản đồ rủi ro mất rừng cấp độ cao cho Quảng Nam với diện tích 46.687ha, chủ yếu là rừng tự nhiên thuộc các huyện Phước Sơn, Nông Sơn, Bắc Trà My, Phú Ninh và Thăng Bình. Đây là vùng ưu tiên thực hiện các hoạt động REDD+, tạo ra các tín chỉ các-bon rừng.
Trong các dịch vụ môi trường rừng, riêng loại dịch vụ về hấp thụ, lưu giữ các-bon rừng đang thí điểm triển khai với 2 doanh nghiệp (gồm nhà máy sản xuất than điện thuộc Công ty CP Than – điện Nông Sơn và Nhà máy sản xuất xi măng Thạnh Mỹ thuộc Công ty CP Tập đoàn Thái group chi nhánh Quảng Nam).
Ông Lê Minh Hưng – nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, chủ rừng (gồm các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, đơn vị, tổ chức cá nhân trồng rừng…) sẽ được hưởng lợi khi tham gia thị trường các-bon rừng. Bởi các chủ rừng này có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý ra lượng hấp thụ khí CO2 (Cacbon dioxit, khí gây hiệu ứng nhà kính). Giá giao dịch thông thường của thị trường quốc tế theo thời điểm hiện tại là 5 USD/tấn CO2. Theo tính toán, mỗi năm Quảng Nam có thể thu về khoảng 5 triệu USD từ việc bán tín chỉ các-bon rừng. Hiện nay, có 5 công ty nước ngoài đăng ký mua lại giấy phép/tín chỉ các-bon rừng.
Thời cơ vàng
Chi trả dịch vụ môi trường rừng thông qua dịch vụ hấp thụ và lưu giữ khí CO2 rừng đang được thực hiện thí điểm tại nhiều địa phương. Trước khi xây dựng Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ khí CO2 rừng, Quảng Nam có nhiều năm chuẩn bị triển khai kế hoạch REDD+. Theo đó các huyện miền núi thuộc diện ưu tiên phục hồi rừng gồm Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Hiệp Đức, Tây Giang, Tiên Phước, Núi Thành, Phú Ninh, Nông Sơn.
Tín chỉ các-bon là giấy phép cho phép mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh phát thải khí CO2. Mỗi tín chỉ các-bon được xác nhận là 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2 gọi chung là 1 tấn CO2 (viết tắt là CO2e). Tín chỉ các-bon rừng được xác định từ lượng CO2 hoặc CO2e được tạo ra từ hoạt động REDD+. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ các-bon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường các-bon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính thông qua REDD+. |
Từ sự vào cuộc của các tổ chức nước ngoài cho bảo tồn đa dạng sinh học mà các cánh rừng miền núi được hồi sinh. Đơn cử, dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ tỉnh thiết lập một hệ thống hành lang đa dạng sinh học để khôi phục kết nối hệ sinh thái khu vực, thích ứng với biến đổi khí hậu ở Trung Trường Sơn; dự án KfW10 bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng hỗ trợ bảo vệ và quản lý bền vững rừng sản xuất tự nhiên; dự án Quỹ Khí hậu xanh của UNDP về nâng cao khả năng chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam (2017 – 2022); Quỹ Quốc tế về thiên nhiên hỗ trợ thực hiện các sáng kiến, dự án khác nhau góp phần triển khai REDD+ có hiệu quả. Cốt lõi là dự án Trường Sơn Xanh giúp nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, chủ rừng có kỹ năng kiến thức về REDD+, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để giao dịch tín chỉ các-bon rừng.
Về Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng của UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ cuối tháng 3.2021, hầu hết bộ, ngành Trung ương đều ủng hộ cho Quảng Nam thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng trên thị trường quốc tế.
Theo đề án, năm nay Quảng Nam sẽ bán 1,2 triệu tín chỉ các-bon rừng tích lũy từ các năm 2018, 2019 và 2020; giai đoạn 2021 – 2025, mỗi năm bán bình quân 0,8 triệu tín chỉ; từ năm 2026, mỗi năm bán 1,2 triệu tín chỉ. Tuy nhiên mục tiêu quan trọng là ít nhất 35.646ha rừng tự nhiên trong khu vực rủi ro mất rừng cao sẽ được bảo vệ nhờ các hoạt động REDD+. |
Theo ông Hà Công Tuấn – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Quảng Nam và nhiều tỉnh Bắc Trung Bộ có tiềm năng bán tín chỉ các-bon rừng, nhưng do nhiều yếu tố khác nhau về năng lực chính sách, kỹ thuật, phương pháp định giá các-bon còn hạn chế nên chưa đủ điều kiện tham gia thị trường thế giới. Tuy nhiên, với sự trợ giúp của dự án Trường Sơn Xanh và nỗ lực của chính quyền địa phương, kế hoạch tiến tới kinh doanh tín chỉ các-bon rừng với đối tác nước ngoài đang dần hiện thực hóa.
Giàu hóa rừng nghèo
Trong kế hoạch hành động REDD+, tiến tới thương mại hóa tín chỉ các-bon rừng, nhiều địa phương đã gặp áp lực trước thách thức bảo vệ hiện trạng rừng lẫn phục hồi hệ sinh thái rừng.
Rào cản
Sở NN&PTNT cho rằng, đến nay Việt Nam chưa có các dự án đầu tư kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng tín chỉ các-bon rừng từ REDD+ giữa các doanh nghiệp nước ngoài với các tổ chức, cá nhân trong nước vào thị trường các-bon tự nguyện. Để có thể giao dịch, mua bán, chuyển nhượng tín chỉ các-bon rừng phải sàng lọc quy trình chặt chẽ, trong đó xây dựng hồ sơ, phê chuẩn hồ sơ dự án bởi một tổ chức quốc tế; phát hành tín chỉ các-bon rừng, sau đó tiến hành giao dịch trên thị trường.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trước đây có tình trạng phá, lấn chiếm rừng tự nhiên để lấy đất sản xuất và trồng cây công nghiệp với diện tích 24.306ha tập trung ở Hiệp Đức, Nam Giang, Tiên Phước, Phú Ninh, Núi Thành, Quế Sơn, Nông Sơn; chuyển hơn 3.291ha rừng tự nhiên sang xây dựng thủy điện tại Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Nông Sơn.
Chưa kể thách thức cháy rừng do nắng nóng cục bộ. Một rào cản nữa ở miền núi là xác lập quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân còn chậm. Nhiều hộ dân tộc thiểu số chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thiếu sinh kế ổn định tại vùng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích xây dựng thủy điện, trồng cây cao su, hay mục đích sử dụng khác.
Trong khi đó, một trong các yêu cầu bắt buộc của REDD+ là chủ rừng, người dân tham gia dự án phải xác định rõ địa vị pháp lý khu rừng do mình sử dụng, quản lý. Thực tế hầu hết diện tích rừng tự nhiên chỉ được giao cho các tổ chức nhà nước, nhưng nhiều đơn vị chủ rừng không quản hết diện tích được giao quá lớn nên thường để tái diễn nạn xâm hại rừng. Các chính sách lâm nghiệp của tỉnh chưa tạo đột phá, nhất là nhiều năm trong tình trạng thiếu vườn ươm và cây giống tốt cho các loài bản địa.
Ưu tiên khu vực cảnh báo mất rừng
Theo kế hoạch REDD+, từ năm 2021, Quảng Nam ưu tiên phục hồi các khu vực có nguy cơ mất rừng cao. Đó là các khu vực rừng phòng hộ Nam Giang, Nam Trà My, Phước Sơn, Đông Giang, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam, Vườn quốc gia Sông Thanh, Khu bảo tồn Sao la.
Theo dự án Trường Sơn Xanh, rừng Quảng Nam giai đoạn 2005 – 2016 phát thải hơn 4,2 triệu tín chỉ các-bon rừng/năm và hấp thụ hơn 3,2 triệu tín chỉ /năm; ước tính phát thải và hấp thụ phát thải hàng năm đến 2025 định hướng đến 2030 lần lượt là gần 3,8 triệu tín chỉ/năm và hơn 4,4 triệu tín chỉ/năm. Thông qua hoạt động REDD+, giai đoạn 2019 – 2030, Quảng Nam giảm bình quân so với giai đoạn 2005 – 2016 là 444.341 tín chỉ/năm; tăng cường hấp thụ và lưu giữ các-bon rừng trong giai đoạn này sẽ tăng lượng hấp thụ khí nhà kính bình quân so với giai đoạn 2005 – 2016 là hơn 1,1 triệu tín chỉ/năm. |
Các khu vực được xác định tăng cường trữ lượng các-bon rừng qua việc trồng, phục hồi và làm giàu rừng gồm các xã La Êê, Chà Vàl, Zuôih, La Dêê (Nam Giang); Tam Trà, Tam Mỹ Tây, Tam Sơn, Tam Lãnh nằm trong lâm phận Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh; Trà Leng, Trà Tập, Trà Mai, Trà Vân (Nam Trà My), Sông Kôn, Jơ Ngây, Tà Lu (Đông Giang); Quế Lâm (Nông Sơn). Tập trung tăng cường trữ lượng các-bon khu vực rừng phòng hộ ven biển huyện Duy Xuyên, Núi Thành, Thăng Bình và Tam Kỳ.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, áp lực triển khai REDD+ nằm ở việc phục hồi, tái sinh cho rừng nghèo. Khai thác gỗ trái phép và xâm hại rừng tự nhiên để mở rộng vùng sản xuất là nguyên nhân chính yếu dẫn đến suy thoái rừng.
Tại các huyện Hiệp Đức, Phước Sơn, Quế Sơn, Bắc Trà My, Nông Sơn, trước đây có hàng chục nghìn héc-ta rừng giàu và trung bình, nhưng hiện nay chủ yếu chỉ còn rừng nghèo. Mối lo ngại khác, theo dự án Trường Sơn Xanh là hệ lụy từ việc tác động vào rừng tự nhiên để trồng lâm sản ngoài gỗ. Theo kế hoạch sử dụng đất, diện tích quy hoạch trồng cây dược liệu lên 64.195ha vào năm 2030, sẽ tiềm ẩn mối đe dọa mất rừng và suy thoái rừng.
Theo các chuyên gia bảo tồn thiên nhiên, chính quyền tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư vào trồng sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My ít nhiều ảnh hưởng suy thoái rừng do làm phương hại đến tầng dưới tán của rừng.
Giai đoạn 2011 – 2020, rừng tự nhiên bị mất là 27.208ha, nếu giảm 65% trong giai đoạn 2021 – 2030 thì diện tích rừng tự nhiên bị mất sẽ còn khoảng 9.522ha. Tuy vậy, theo đánh giá thì trong giai đoạn này diện tích rừng nói chung vẫn tăng thêm do xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên trong gói can thiệp nâng cao trữ lượng các-bon rừng.
Dân bản địa sinh sống ở xã Quế Lâm (Nông Sơn) nằm trong Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam được tập huấn về các kỹ năng quản lý, bảo vệ rừng, lẫn bảo tồn đàn voi. Khu bảo tồn này cũng nằm trong khu vực triển khai các hoạt động REDD+.
Tuy nhiên, theo người dân địa phương, lâu nay họ chỉ quen với trồng cây keo nên rất dè dặt khi tham gia trồng rừng gỗ lớn hay đầu tư các mô hình lâm nghiệp xen canh phức tạp hơn. Chính quyền khuyến khích trồng rừng gỗ lớn chu kỳ ít nhất 10 năm khai thác, nhưng khả năng tiếp cận với vốn vay ngân hàng còn hạn chế, cộng với Nhà nước chưa có chính sách bảo hiểm với người trồng rừng nên việc thay đổi thói quen canh tác không hề dễ.
Nguồn tài chính dồi dào
Bán tín chỉ các-bon rừng vừa thêm nguồn thu về dịch vụ môi trường rừng vừa là cơ hội để các chủ rừng và người dân tiếp cận tư duy sản xuất mới và quản trị rừng chuyên nghiệp hơn.
Ngành nông nghiệp và các địa phương đã vạch ra “đường đi nước bước” trong thực hiện kế hoạch hành động REDD+, cũng như đàm phán với các đối tác nước ngoài trong giao dịch thị trường các-bon rừng. Hơn 3 năm nay, thông qua dự án Trường Sơn Xanh, hàng chục cuộc hội thảo, tập huấn liên quan đến hoạt động REDD+ đã được triển khai.
Diện tích rừng đưa vào chương trình cũng được cân nhắc lựa chọn, trong đó ưu tiên rừng tự nhiên giàu/giá trị trữ lượng các-bon cao; vùng đối mặt với đe dọa mất rừng/suy thoái rừng; có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị dịch vụ hệ sinh thái; khu vực đất trống. Tiếp theo đó là xây dựng bản đồ rủi ro cảnh báo mất rừng. Năm 2021, ngành lâm nghiệp cả nước đặt mục tiêu đạt doanh thu 2.800 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng khi có thêm nguồn tiền từ bán tín chỉ các-bon rừng ra thị trường thế giới.
Quảng Nam sẽ lên sàn giao dịch tín chỉ các – bon rừng
Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng của UBND tỉnh đã được lấy ý kiến của Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành liên quan và đang chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh đã thuê một đơn vị tư vấn quốc tế hướng dẫn, tư vấn. Trong quá trình soạn thảo đề án, đơn vị tư vấn phối hợp đàm phán với các đối tác nước ngoài mua tín chỉ các-bon rừng theo hình thức đấu giá. Khi đề án được phê duyệt, Quảng Nam sẽ tham gia sàn giao dịch bán tín chỉ các-bon quốc tế. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh |
Ông Huỳnh Đức – Giám đốc Quỹ Bảo vệ – phát triển rừng tỉnh cho biết, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng do các nhà máy thủy điện, cơ sở sản xuất nước, sản xuất công nghiệp, kinh doanh du lịch chi trả bình quân hàng năm hơn 100 tỷ đồng. Như vậy, nếu Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ mang lại cho tỉnh nguồn thu từ 110 – 130 tỷ đồng, cao hơn nguồn thu dịch vụ môi trường rừng hiện nay, hay nói cách khác là bằng 2 – 2,5 lần đầu tư ngân sách hàng năm của Trung ương và địa phương vào lĩnh vực lâm nghiệp. Ngoài chủ rừng, nhóm đối tượng hưởng lợi (hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư) sẽ được nâng cao thu nhập lên gấp 2 lần hiện nay do được chi trả tiền bán tín chỉ các-bon rừng.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, Bộ NN&PTNT rất ủng hộ Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng của Quảng Nam. Để xuất khẩu tín chỉ các-bon rừng, UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp xây dựng và phê duyệt hồ sơ dự án tín chỉ các-bon rừng từ kế hoạch hành động REDD+; phát hành tín chỉ quy định chung của quốc tế về tiêu chuẩn các-bon rừng; lựa chọn doanh nghiệp hay tổ chức đấu giá tín chỉ các-bon rừng.
Về huy động nguồn lực, giải pháp của tỉnh là lồng ghép kinh phí hàng năm của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, tiền thu từ dịch vụ môi trường rừng để thực hiện các hạng mục trong hoạt động REDD+. Cạnh đó, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho chủ rừng về kinh doanh tín chỉ các-bon rừng. Tìm kiếm, huy động các nguồn đầu tư của tổ chức, cá nhân trong nước vào trồng rừng gỗ lớn với các loài cây bản địa có khả năng hấp thụ và lưu giữ các-bon rừng lâu dài đủ để kinh doanh tín chỉ các-bon rừng trong khuôn khổ kế hoạch hành động REDD+.