Đằng sau sự lấp lánh của các món mỹ phẩm là tình cảnh làm việc trong điều kiện tối tăm, thiếu thốn và đầy rẫy nguy hiểm của nhiều người Ấn Độ để khai thác nguyên liệu.
Trên khắp Ấn Độ, có hàng nghìn thợ mỏ đang khai thác bất hợp pháp mica – loại khoáng chất được sử dụng trong mỹ phẩm như phấn mắt, son bóng… để tăng độ bóng cho sản phẩm. Các công ty mỹ phẩm rất ưa chuộng thành phần này vì khả năng khúc xạ, siêu mịn và màu sắc tự nhiên của chúng.
Tuy nhiên, để có được thành phần này, những người khai thác thường phải làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm luôn rình rập, theo Channel News Asia.
Không có lựa chọn
Góa phụ Basanti Mosamat (40 tuổi) chuyên nhặt và bán mica để kiếm sống. Đây cũng là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình cô.
Mỗi tuần, Mosamat cùng bố chồng và 5 người con đi bộ 10 km, tới dựng trại tại khu rừng gần làng. Việc thu nhặt mica không có dụng cụ bảo hộ khiến bàn tay người phụ nữ này trầy xước và thâm tím. Con gái lớn của cô, Karishma Kumari Birhor (14 tuổi), đã nhặt mica từ khi lên 5.
“Cha tôi đã qua đời, vì vậy tôi cần phụ mẹ”, cô bé nói.
1 kg mica vụn bán được 7 rupee (0,10 USD). Hôm nào may mắn, gia đình Mosamat hy vọng có thể kiếm được 150 rupee (2,06 USD).
“Ở đây chẳng có gì cả, cuộc sống bữa đói bữa no khiến chúng tôi chẳng thể trông chờ gì vào tương lai”, Birhor nói.
Khi việc nhặt nhạnh ở rừng hay các khu vực khác không còn đem lại hiệu quả, một số người khai thác mica chuyển sang các hang động, hầm mỏ bỏ hoang, nơi có nhiều mica hơn. Tuy nhiên, họ không có đèn chiếu sáng hay các thiết bị bảo hộ, chỉ khai thác hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm.
“Mọi người có thể trượt chân và ngã ở đâu đó hoặc bị đá rơi vào đầu. Việc khai thác rất khó khăn. Chúng tôi luôn phải cảnh giác, hầm mỏ có khả năng sập bất cứ lúc nào. Đôi khi một người mắc sai lầm có thể giết chết tất cả”, Mukesh Bhulla, bắt đầu nhặt mica từ khi còn bé, kể.
Vào tháng 1, có ít nhất 3 báo cáo về các vụ sập hầm mỏ ở Koderma và Jharkhand. Ước tính có khoảng 10 đến 20 người chết mỗi tháng do những rủi ro trong việc khai thác mica.
Trên thực tế, có nhiều vụ tai nạn hơn những gì được báo cáo. Tuy nhiên các thợ mỏ nghiệp dư không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận rủi ro. “Nếu không làm việc ở đây, tất cả chúng tôi sẽ chết”, Dimpi Devi, một bà mẹ 3 con chia sẻ.
Điều này khiến những người như Devi rất dễ bị bóc lột, nhất là khi không đủ tiền lo toan chi phí sinh hoạt. Nếu không thể vay các ngân hàng chính thống, họ đành tìm tới những người cho vay nặng lãi với lãi suất lên tới 200%/năm.
“Một số người nói với chúng tôi rằng họ chỉ được phép bán mica cho những chủ nợ của họ với mức giá những thương nhân này yêu cầu”, nhà báo điều tra Peter Bengtsen cho biết. Ông đã theo dõi hoạt động buôn bán mica ở Jharkhand hơn một thập kỷ.
“Về cơ bản, thỏa thuận sẽ kéo dài cho đến khi họ trả hết các khoản nợ”, Bengtsen nói.
Các cuộc thanh tra của cơ quan quản lý rừng cũng diễn ra phổ biến, các thợ mỏ đôi khi phải hối lộ để có thể tiếp tục làm việc. “Cảnh sát không thường xuyên đến nhưng các nhân viên kiểm lâm luôn theo dõi chúng tôi”, Mosamat chia sẻ.
Deepak Bara, một nhà báo tự do làm việc tại Jharkhand cho biết: “Có một mạng lưới những người thao túng việc khai thác mica và họ rất quyền lực”.
Bài toán nan giải
Việc khai thác mica gây ra tranh cãi vào giữa những năm 2000, sau khi những cuộc điều tra về lạm dụng lao động trẻ em được tiến hành. Hiện, ước tính có tới 70% sản lượng mica của Ấn Độ tới từ việc khai thác bất hợp pháp.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, Ấn Độ có hơn 10 triệu trẻ em đang đi làm dù chưa đủ tuổi lao động, đặc biệt là những thợ mỏ “nhí” làm việc tại các mỏ mica.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà báo và chính trị gia, những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình khai thác mica không còn lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục công việc của cha mẹ.
“Chúng phải kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Chính phủ không có chính sách hỗ trợ trẻ em hoặc nếu có cũng không đem lại hiệu quả”, Bara cho biết.
Để xóa bỏ tình trạng này, một số chiến dịch được thành lập và triển khai mạnh mẽ, ví dụ như Mica Initiative. Chanel, L’Oréal và Sephora là những cái tên nổi tiếng tham gia chiến dịch này.
Một số thương hiệu khác cũng cam kết kiểm tra nghiêm ngặt hơn chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, họ cũng phải thừa nhận rằng việc quản lý nguồn mica là rất khó khăn.
Năm 2019, mica xuất khẩu tại Ấn Độ đạt hơn 37 triệu USD (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới). Với số lượng giao dịch quá lớn, các thương hiệu không thể theo dõi chính xác mica của họ tới từ đâu.