Dù đã có quy định không được đốt, phát rừng để thực hiện việc trồng rừng thay thế, tuy nhiên, chủ rừng vẫn thuê đơn vị thi công đốt thực bì, gây cháy lan rừng tự nhiên. Hiện, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam tích cực vào cuộc điều tra để kịp thời có biện pháp xử lý. Đây không phải lần đầu tiên ở Quảng Nam để xảy ra tình trạng này, tuy nhiên việc xử lý những đơn vị, người có trách nhiệm thì còn chậm.
Bất chấp quy định
Đầu tháng 5 vừa qua, nhiều hecta rừng thuộc tiểu khu 689, xã Phước Kim, huyện Phước Sơn bị thiêu rụi. Cụ thể tại khoảnh 3, 4 và 5 của tiểu khu 689, khu vực thượng nguồn thủy điện Đắk Mi4, nơi có nhiều cây gỗ to, ken dày đã bị thiêu rụi. Có những cây gỗ lớn thân cũng nhuốm màu đen từ gốc đến ngọn.
Ngày 12.5, Hạt kiểm lâm Phước Sơn có báo cáo nhanh việc đốt thực bì này, Hạt đã kiểm tra hiện trường, phát hiện khu vực trồng rừng thay thế tại khoảnh 3,4,5 quy hoạch chức năng phòng hộ đã bị đốt với diện tích 20ha, trong đó, có 0,72ha rừng tự nhiên. Trong diện tích 20ha này có 0,72ha có mật độ cây gỗ đứng nhiều, chừa lại toàn bộ cây gỗ trên diện tích thiết kế trồng rừng, nhưng đơn vị thi công đã đốt cháy nhiều cây.
Khu vực này thuộc dự án trồng rừng thay thế, Ban quản lý dự án rừng phòng hộ Phước Sơn làm chủ đầu tư, chủ yếu trồng cây lim xanh, sao đen… Vừa qua ban này đã hợp đồng với đơn vị thi công là công ty TNHH MTV Tuấn Zin xử lý thực bì toàn bộ diện tích trên.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn, trước khi Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện dọn thực bì, đơn vị nhận thấy có một số cây tự nhiên nên đề nghị không được phát đốt, chừa lại, nhưng dịp cuối tuần chủ rừng đã thuê đơn vị thi công vào đốt xử lý thực bì nên dẫn đến cháy lan.
Cơ quan kiểm lâm địa phương khẳng định, ngày 8 và 9.5.2021, đơn vị thi công đã tiến hành chặt hạ một số cây gỗ nhỏ, đốt xử lý thực bì, gây cháy toàn bộ diện tích rừng và cháy lan sang khu vực lân cận.
Ông Từ Văn Khánh – Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam – cho hay, đơn vị đang kiểm tra vụ đốt thực bì để trồng rừng thay thế ở huyện Phước Sơn dẫn đến gây cháy lan sang rừng phòng hộ khác.
Đơn vị thi công thừa nhận sai
Ông Nguyễn Quốc Trưởng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Tuấn Zin – cho hay, Cty ký hợp đồng với Ban Quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn từ ngày 14.3.3021, đến ngày 18.3 thì đưa lực lượng vào khu rừng này phát dọn với gói thầu hơn 600 triệu đồng.
Theo ông Trưởng, kiểm lâm đã có văn bản cảnh báo trong 20ha thì có 0,72ha rừng tự nhiên, phải chừa lại những cây rừng tự nhiên và đơn vị đã có chỉ đạo anh em. Trong lúc thực hiện dọn thực bì kiểm lâm có kiểm tra tuy nhiên, nếu đơn vị làm sai tại sao không lập biên bản hoặc nhắc nhở.
“Trong quy trình là không được đốt nhưng tôi cho anh em đốt, cái sai đó là tôi nhận. Tuy nhiên không đốt không thể trồng thành rừng được. Ngoài ra, cái sai nữa là phải làm ranh giới để đốt, tránh cháy lan sang cây rừng, tuy nhiên, anh em đốt buổi trưa, gió to quá nên cháy lan. Đúng ra dọn để trồng bên dưới thôi nhưng không may cháy lan, đó là ngoài ý muốn, tôi nhận trách nhiệm. Cái nào sai thì tôi nhận, chịu trách nhiệm trước pháp luật” – ông Trưởng nói.
Cũng cần phải nhắc lại: Đây không phải lần đầu đốt thực bì gây cháy lan rừng tự nhiên ở Quảng Nam, trước đó, tháng 5.2020, trên địa bàn huyện Đông Giang đã xảy ra một vụ phá rừng phòng hộ nghiêm trọng tại xã Mà Cooih. Sau 6 ngày bùng phát, đến tối 6.5, ngọn lửa được khống chế với tổng diện tích rừng cháy bước đầu xác định là 32,3ha. Ngay sau đó, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Sở NNPTNT chỉ đạo Chi Cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm huyện Đông Giang phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, xác định diện tích rừng, khối lượng lâm sản thiệt hại. Đồng thời, yêu cầu Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, UBND huyện Đông Giang chỉ đạo các đơn vị liên quan, các ngành chức năng ở địa phương hỗ trợ, phối hợp cùng với lực lượng Kiểm lâm tổ chức kiểm tra, khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, xác định diện tích rừng thiệt hại để sớm hoàn chỉnh hồ sơ, khởi tố vụ án và điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các ngành chức năng vẫn chưa có kết quả xử lý.
Trao đổi với ông Lê Trí Thanh, ông Thanh cho hay, vụ cháy rừng ở Phước Sơn, tỉnh đã yêu lực lượng chức năng vào cuộc xác minh, xử lý báo cáo với UBND tỉnh. Đối với vụ cháy rừng ở huyện Đông Giang vào tháng 5.2020, hồ sơ đã được giao cho Viện kiểm soát Nhân dân tỉnh, đồng thời đề nghị viện kiểm soát khẩn trương xử lý theo quy định.
Đại diện Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Đông Giang cho biết, đơn vị đang phối hợp với lực lượng công an để điều tra làm rõ vụ việc.