Nhiều vấn đề nóng liên quan đến tình hình quốc tế và khu vực đã được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU), diễn ra tại thủ đô Brussels (Bỉ) từ ngày 24 đến 25-5. Với mong muốn thống nhất hành động để thúc đẩy một liên minh mạnh mẽ hơn, các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên cam kết tiếp tục nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19.
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, dù vẫn thường xuyên có các cuộc trao đổi nhằm thống nhất quan điểm đối với những vấn đề chung, song đây là lần đầu tiên trong năm 2021, EU có cuộc gặp gỡ trực tiếp với sự góp mặt đầy đủ của đại diện các nước thành viên. Điều này phần nào nói lên sự lạc quan của các nhà lãnh đạo về tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu cải thiện, nhất là khi chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 được đẩy mạnh trên diện rộng ở châu Âu.
Tại một cuộc họp báo sau hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, hơn 300 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 sẽ được chuyển giao cho khối vào cuối tuần này, và sẽ tăng lên 400 triệu liều vào tháng tới. Với lộ trình như vậy, quan chức EC tin tưởng EU đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 70% người trưởng thành vào cuối tháng 7-2021, từ đó tạo điều kiện cho các nước thành viên mở cửa trở lại một cách an toàn. Tuy nhiên, giới chức EU nhất trí cần tiếp tục duy trì biện pháp hạn chế cho đến mùa du lịch hè và cảnh giác trước sự xuất hiện của các biến chủng mới nguy hiểm hơn của vi rút SARS-CoV-2.
Các đại biểu tham dự cũng hoan nghênh sự ra đời và ứng dụng chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19 trong toàn khối, chính thức có hiệu lực vào ngày 1-7 tới, giúp phục hồi lĩnh vực du lịch ngay trong mùa hè này. Các nước thành viên cho rằng, chứng nhận này sẽ giúp trả lại quyền tự do đi lại cho người dân châu Âu, cùng với một kế hoạch riêng biệt nhằm tiếp nhận khách du lịch đã được tiêm chủng đầy đủ từ các nước bên ngoài. Động thái trên được nhiều quốc gia mong chờ từ lâu, đặc biệt là Hy Lạp, Tây Ban Nha và Croatia, những quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào chi tiêu của khách du lịch.
Ý thức được rằng EU đã mua tới 4,4 tỷ liều vắc xin trong 2 năm tới – nhiều hơn mức cần thiết cho 450 triệu dân, các nhà lãnh đạo EU thống nhất nỗ lực đẩy nhanh việc chia sẻ vắc xin, củng cố vai trò của Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin Covid-19 (COVAX) nhằm tạo điều kiện cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Khối này cam kết tài trợ ít nhất 100 triệu liều vắc xin cho các nước nghèo và giúp phát triển năng lực sản xuất tại địa phương, phù hợp với Tuyên bố Rome được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Y tế toàn cầu diễn ra vào cuối tuần trước.
Một nội dung đáng chú ý khác là nỗ lực của EU trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Liên minh này đặt mục tiêu giảm 55% lượng khí thải vào năm 2030 so với mức của năm 1990. Trong một tuyên bố sau cuộc họp, 27 nhà lãnh đạo thúc giục EC công bố các hướng dẫn mới để đạt được một mục tiêu có ràng buộc về giảm phát thải khí nhà kính. Các biện pháp dự kiến bao gồm các quy định tiêu chuẩn về cacbon dioxit nghiêm ngặt hơn đối với ô tô, thúc đẩy năng lượng tái tạo, thuế đánh vào nhiên liệu gây ô nhiễm…
Với chương trình nghị sự kéo dài 2 ngày, các nhà lãnh đạo EU cũng thảo luận nhiều nội dung quan trọng khác liên quan đến việc thống nhất cách tiếp cận chung trong các vấn đề với Nga, tình hình tại Trung Đông, căng thẳng tại Belarus, quan hệ EU – Anh… Trong đó, sự đồng thuận giữa các nước thành viên EU luôn là điều được tìm kiếm để triển khai các bước đi của liên minh trước những thách thức và yêu cầu mới đặt ra.