Trong khi các nhóm tội phạm động vật hoang dã (ĐVHD) trên toàn thế giới tiếp tục tàn phá các quần thể động vật hoang dã, thu về hàng chục tỷ đô la lợi nhuận mỗi năm thì những người thực thi pháp luật và các tổ chức bảo tồn lại phải vật lộn để bảo vệ thiên nhiên và các loài động vật hoang dã với nguồn kinh phí eo hẹp cùng thách thức về thực thi luật pháp yếu kém.
Nhằm đảo ngược cán cân lợi ích và thực trạng nêu trên, Báo cáo “Chuyển tài chính của đối tượng buôn bán ĐVHD sang bảo vệ ĐVHD” cho rằng cần tạo rủi ro cao cho các nhóm tội phạm ĐVHD bằng cách thu giữ tài sản từ tội phạm ĐVHD để tài trợ cho hoạt động bảo vệ ĐVHD. Ấn phẩm do Trung tâm Phân tích chất lượng cao về buôn bán bất hợp pháp (ACET) thực hiện và được đăng tải trên trang web của Tổ chức Freeland.
Báo cáo nhận định sở dĩ các chương trình đấu tranh chống buôn bán ĐVHD không hoặc chưa có khả năng tạo ra áp lực tài chính đối với các đối tượng buôn bán ĐVHD bất hợp pháp là do buôn bán ĐVHD ngày càng thu được lợi nhuận cao trong khi các chương trình chống buôn bán ĐVHD được tài trợ quá thấp, chưa kể năng lực thực thi pháp luật yếu kém do thiếu kiến thức và thiếu các kỹ năng đào tạo liên quan đến phòng chống buôn bán ĐVHD. Để giải quyết vấn đề này, cần cân nhắc (i) áp dụng các mức xử phạt để đánh mạnh hơn vào kinh tế của tội phạm buôn bán ĐVHD, và (ii) sử dụng các quỹ hoặc tài sản thu giữ để hỗ trợ, cấp cho các chi phí trong bảo vệ và khôi phục động vật hoang dã. Một chiến lược giải quyết cả hai mối quan tâm này và đã thành công nhất định trong một vài vụ xét xử, đó là thực hiện chương trình bồi thường thiệt hại áp dụng đối với tội phạm ĐVHD, bổ sung vào các hình thức xử phạt truyền thống khác.
Dựa trên phân tích cơ sở pháp lý và nghiên cứu trường hợp tại một số quốc gia, Báo cáo nêu một số đề xuất trọng yếu nên/cần được xem xét trong việc thực hiện các chương trình về bồi thường thiệt hạt và xử phạt bổ sung tội phạm ĐVHD:
- Các biện pháp xử phạt bổ sung luôn được áp dụng thêm vào (và không thay thế) các hình thức xử phạt khác theo luật định (như phạt tiền, tù giam);
- Đối với biện pháp xử phạt bổ sung có chi trả đền bù và bồi thường thiệt hại, chắc chắn trong truy tố cần thể hiện bị cáo có đủ năng lực tài chính để thực thi mức án phạt đã áp dụng;
- Tòa án xét xử có thể cân nhắc tạo quỹ bảo tồn động vật hoang dã đặc biệt hướng vào các nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã và bồi thường thiệt hại;
- Ngoài việc buộc các cá nhân thực hiện hành vi vi phạm phải có trách nhiệm thì các thực thể như công ty, tổ chức và nơi nuôi giữ động vật hoang dã bât hợp pháp có liên quan đến vi phạm môi trường cũng cần phải bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung đối với giám đốc, nhân sự cấp cao dù họ nhận thức được hay không về hoạt động đang diễn ra tại đơn vị…