Khí thải từ các công ty công nghệ đang tăng nhanh với tốc độ 6% mỗi năm.
Mặc dù vùng phía Bắc xa xôi của Thụy Điển có vẻ không phải là địa điểm thích hợp để xây dựng trung tâm dữ liệu nhưng quyết định chọn nơi đây của Facebook lại có liên quan nhiều đến vấn đề khí hậu hơn là gần gũi về mặt địa lý với các thành phố của châu lục. Bằng cách chọn thành phố ven biển Luleå để đặt hệ thống máy chủ rộng 100.000 m2, Facebook sẽ có thể giảm được lượng điện năng cần thiết để làm mát máy chủ và giảm lượng khí thải nhà kính của mình.
Hạ tầng công nghệ và các máy chủ ở trung tâm dữ liệu là không thể thiếu nhằm phục vụ cho thị trường điện toán đám mây đang tăng trưởng nhanh. Nhưng lượng khí thải carbon từ ngành này hiện đã vượt mức khí thải của hoạt động đi lại bằng đường hàng không trước thời điểm COVID-19 bùng phát, theo báo cáo của The Shift Project (Pháp).
Mức độ sử dụng điện năng hằng năm của chỉ riêng 5 tập đoàn công nghệ (Big Tech) gồm Amazon, Google, Microsoft, Facebook và Apple hiện tương đương với lượng điện tiêu thụ của cả đất nước New Zealand, ở mức hơn 45 TWh. Con số này sẽ còn tăng cao khi ngày càng nhiều dịch vụ đám mây được cung cấp cho khách hàng và tốc độ tăng trưởng của trí tuệ nhân tạo và máy học đòi hỏi lượng điện năng tiêu thụ nhiều hơn trước. The Shift Project ước tính lượng khí thải liên quan đến ngành công nghệ đang tăng trưởng với tốc độ 6% hằng năm. Năm ngoái, Microsoft đã thải ra khoảng 16 triệu tấn khí nhà kính, Google là 1,5 triệu tấn và Amazon 44 triệu tấn, theo Greenpeace.
Sức ép từ công chúng đang buộc các công ty trong ngành này phải hành động. Nhưng mặc dù các công ty lớn nhất trong lĩnh vực đám mây cam kết sẽ cắt giảm khí carbon, nỗ lực này vẫn không đủ. “Vấn đề không chỉ là lượng thải khí carbon của Amazon, mà là cách mà cả hệ thống số của chúng ta đang vận hành”, Hugues Ferreboeuf, Giám đốc Dự án tại The Shift Project, nhận xét.
Thực vậy, công cuộc số hóa gia tăng tại các doanh nghiệp, trong đó xu hướng làm việc ở nhà trong giai đoạn dịch COVID-19, càng đẩy tăng nhu cầu đối với điện toán đám mây. Các trung tâm dữ liệu – trái tim của điện toán đám mây – chiếm tới 15% lượng thải khí kỹ thuật số của ngành công nghệ thông tin, theo The Shift Project.
“Hạ tầng của các dịch vụ đám mây là khổng lồ và vẫn còn rất nhiều trung tâm dữ liệu chạy bằng điện than”, Simon Ponsford, Tổng Giám đốc nền tảng quản lý đám mây YellowDog, nhận xét. Một ví dụ là ngành internet Trung Quốc chủ yếu vận hành bằng than đá và mức tiêu thụ điện năng vẫn đang tăng lên, theo Ye Ruiqi thuộc Greenpeace East Asia. Các trung tâm dữ liệu của Trung Quốc tiêu thụ khoảng 161 tỉ kWh vào năm 2018, cao hơn lượng tiêu thụ điện năng của cả đất nước Malaysia. Mức tiêu thụ này sẽ tăng đến 2/3 vào năm 2023.
“Chỉ khi nào các công ty điện toán đám mây thay đổi mô hình kinh doanh để không còn phải dựa vào mức tiêu thụ năng lượng tới 2 con số, nếu không vấn đề sẽ không được giải quyết”, Ferreboeuf nhận định.
Các tập đoàn công nghệ lớn nói rằng họ đang tìm cách giảm lượng thải khí carbon. Google cam kết sẽ vận hành tất cả các trung tâm dữ liệu và cơ sở hoạt động bằng “điện không có carbon” như thủy điện, điện gió và điện mặt trời, suốt 24 giờ mỗi ngày, đến năm 2030. Microsoft thì cam kết sẽ “âm carbon” vào năm 2030, có nghĩa là Tập đoàn sẽ đưa lượng khí CO2 ra khỏi bầu khí quyển nhiều hơn là lượng khí mà doanh nghiệp này thải ra. Amazon đang nhắm đến đạt net zero vào năm 2040 bằng cách mua nhiều năng lượng sạch hơn, đầu tư vào xe điện và mua tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng thải khí của mình.
Tuy nhiên, cam kết net zero cũng cho thấy những vấn đề, theo David Mytton, thuộc Uptime Institute, một tổ chức chuyên tư vấn về cơ sở hạ tầng số. “Mặc dù các công ty có thể đạt đến mục tiêu net zero bằng cách mua năng lượng sạch từ các công ty khác, nhưng họ lại không giảm được lượng năng lượng bẩn mà mình tự tạo ra”, ông nói.
Đồng quan điểm, Rolf Skar, Giám đốc chiến dịch tại Greenpeace, cho rằng: “Việc mua tín chỉ carbon không hề có tác động trực tiếp lên biến đổi khí hậu”. Và mặc dù một số thỏa thuận mua năng lượng sạch (để bù đắp carbon) được gắn với các dự án năng lượng tái tạo cụ thể, nhưng một số thỏa thuận khác thì không.
David Mytton cũng đề cập đến rủi ro về greenwashing, một hình thức tiếp thị xanh được sử dụng một cách lừa dối để thuyết phục công chúng rằng các sản phẩm, mục tiêu và chính sách của tổ chức là thân thiện với môi trường.
Một số công ty đã và đang tìm cách xây dựng các hệ thống dựa vào năng lượng tái tạo để đáp ứng 100% nhu cầu năng lượng của họ và đầu tư trực tiếp vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo. Chẳng hạn, theo Skar thuộc Greenpeace, nỗ lực của Google trong việc nghiên cứu các công nghệ địa nhiệt, pin và hydro có thể giúp Công ty nâng cao năng lực xanh của mình.
Đó là cả một chặng đường dài, không thể chỉ nỗ lực của vài công ty là đủ. Hiện chỉ 5% lưới điện trên toàn cầu sử dụng năng lượng tái tạo, theo báo cáo năm 2020 của hãng dầu mỏ BP. Vì thế, rất cần những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, như đặt các trung tâm dữ liệu mới ở những nơi có khí hậu mát mẻ và phát triển các công nghệ sử dụng hiệu quả điện năng cho các trung tâm dữ liệu…
Theo Mytton, các tập đoàn công nghệ lớn đang rất quan tâm đến việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch hơn. “Năng lượng tái tạo rẻ hơn rất nhiều và vì điện năng là chi phí chủ yếu của trung tâm dữ liệu nên sẽ có thể rẻ hơn nhiều cho một doanh nghiệp khi đầu tư vào điện gió, hoặc điện mặt trời”, ông nói. Nhưng vấn đề là với các dịch vụ đám mây rẻ hơn, nhu cầu sử dụng dịch vụ sẽ càng gia tăng và các trung tâm dữ liệu sẽ mọc lên càng nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu này.
“Một cách để hạn chế tăng trưởng tiêu thụ năng lượng là mỗi cá nhân phải kiềm chế bản thân không sử dụng những dịch vụ đám mây không cần thiết. Nhưng đây lại là một vấn đề khó vì ngày nay mọi thứ đều chạy trên đám mây”, Ferreboeuf nói.