Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã nằm ở huyện Phú Lộc, Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên – Huế) và một phần ở tỉnh Quảng Nam, với diện tích 37.487 ha được bao phủ bởi kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới và Á nhiệt đới, là nơi lý tưởng cho voọc chà vá chân nâu phát triển đàn.
Do dịch Covid-19, khách du lịch đến VQG Bạch Mã tham quan khá ít nên không gian yên ắng. Một số cá thể voọc chà vá chân nâu mạnh dạn ra khu vực biệt thự Đỗ Quyên kiếm ăn. Chúng thoải mái bay nhảy, chuyền mình từ cây này sang cây khác.
Tiến sĩ (TS) Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc VQG Bạch Mã, cho biết từ tháng 8-2019 đến tháng 8-2020, VQG Bạch Mã đã thực hiện dự án Khảo sát loài voọc chân nâu và tình trạng bảo tồn của chúng tại VQG Bạch Mã. Qua 12 đợt điều tra ở 16 tuyến tại 5 khu vực đã ghi nhận được 15 đàn voọc chà vá chân nâu với ít nhất 171 cá thể. Trong đó đàn ít nhất có 6 cá thể và đàn lớn nhất có 30 cá thể. Hầu hết các đàn đều có thành phần đực, cái, con chưa trưởng thành và con non.
“Các đàn voọc tại đây phân bố ở độ cao từ 180 m đến 1.370 m so với mực nước biển, chủ yếu ở các khu rừng có cây gỗ liền tán và thuộc đối tượng rừng nghèo, trung bình, giàu và rất giàu. Chúng thường di chuyển và kiếm ăn trong một vùng lãnh thổ nhất định” – TS Linh cho biết kết quả điều tra.
Cụ thể, khu vực đỉnh Bạch Mã là nơi tập trung số lượng voọc nhiều nhất với 6 đàn (85 cá thể) và khá dễ bắt gặp, nhìn thấy do ở đây có hoạt động du lịch sinh thái nên các đàn quen dần với sự xuất hiện của con người.
Ngoài ra, các địa điểm khác của VQG Bạch Mã có 9 đàn nhưng các cá thể voọc di chuyển rất nhanh khi phát hiện cán bộ điều tra. Nguyên nhân do các khu vực này có thể bị săn bắn, khai thác gỗ trái phép gây tiếng động lớn.
Theo TS Nguyễn Vũ Linh, quá trình triển khai dự án có phỏng vấn người dân và cho thấy một số nơi như khe Dớn, Hương Lộc, Thượng Nhật (Nam Đông) còn có hoạt động sử dụng súng săn tự làm để săn bắn chim, thú và chặt cây rừng trái phép vẫn xảy ra. “Thách thức lớn nhất là tình trạng săn bắn trái phép voọc nhỏ lẻ vẫn còn xảy ra. Vì vậy, chúng tôi luôn phối hợp với công an, chính quyền địa phương để tổ chức điều tra, vận động những người còn sử dụng súng săn, súng tự chế giao nộp, chuyển đổi nghề, tham gia vào các mô hình phát triển sinh kế bền vững” -TS Nguyễn Vũ Linh cho biết.
Theo các chuyên gia, VQG Bạch Mã cần tiếp tục đề xuất các nghiên cứu chuyên sâu về tập tính sinh học, thức ăn, sinh cảnh sống của các đàn voọc, khả năng thích nghi của voọc đối với các tác động của con người để phát triển các chương trình bảo tồn hoặc các hoạt động du lịch sinh thái có thu phí để phục vụ công tác bảo tồn chúng.