Không chỉ vàng mà cả chế độ ăn uống, kế sinh nhai và môi trường sống của 60 triệu người phụ thuộc vào sông Mekong đối mặt nguy cơ lớn vì các dự án đập thủy điện của Trung Quốc.
Dưới cái nắng chói chang, hai cụ bà Thái Lan đang đãi vàng dọc bờ sông Mekong. Tay vừa làm, hai cụ vừa cố chắp ghép các mảnh ký ức hạnh phúc trước khi một tuyến đường thủy bị thay đổi vĩnh viễn bởi các đập thủy điện ở thượng nguồn.
Trước khi chảy tới tỉnh Loei – tỉnh nằm trên biên giới Thái Lan – Lào, nước sông Mekong đã phải chảy qua hàng chục đập thủy điện khác, bao gồm 11 đập thủy điện của Trung Quốc và một của Lào.
South China Morning Post ngày 25/5 dẫn lời người dân địa phương và các chuyên gia, các đập thủy điện của Trung Quốc và Lào đã gây ảnh hưởng môi trường sống của cá, thay đổi dòng chảy tự nhiên theo mùa và thậm chí cả màu sắc của nước.
Tác động ngày càng rõ ràng
Rodjana Thepwong, một người phụ nữ 64 tuổi với giọng cười dễ mến, cho biết những người thợ đãi vàng ở Thái Lan thường lội ra giữa sông vào mùa khô. “Cặn lắng dưới đáy sông chứa đầy vàng. Tôi còn từng tìm thấy những mảnh vàng nhỏ bằng hạt me”, bà nói, đồng thời lao xuống sông, tay cầm một cái cuốc, gạt bỏ những cục bùn và đá.
“Vì các đập thủy điện, nước sông dâng lên hạ xuống một cách ngẫu nhiên khiến hệ sinh thái mất cân bằng. Chúng tôi buộc phải di chuyển ra mép sông, nơi chỉ có một lượng vàng rất nhỏ”.
Bà Rodjana chỉ là một trong số 60 triệu người sống phụ thuộc vào dòng sông Mekong – dòng sông chảy từ Trung Quốc, qua Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia trước khi đổ vào khu vực đồng bằng của Việt Nam.
Các nhà hoạt động môi trường cho biết chế độ ăn uống, kế sinh nhai và môi trường của hàng triệu người này đã lâm vào tình trạng nguy hiểm kể từ khi các công ty Trung Quốc khai thác thủy điện.
“Tôi nhận ra mọi thứ đang thay đổi nhiều loài cá chết đi và nước dâng cao đột ngột”, bà Chantarasee Hieng – một người đãi vàng khác chia sẻ.
Các chuyên gia cho biết ở khu vực hạ lưu, vào tháng 2, dòng sông đột ngột biến thành màu xanh lam – một hiện tượng theo mùa lần đầu xuất hiện, cho thấy chất dinh dưỡng từ phù sa đang dần biến mất khỏi đường thủy này.
Biến đổi khí hậu cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc gây ra hiện tượng này, với các đợt mưa lớn hơn và hạn hán kéo dài.
Nhưng cả bà Rodjana và Hieng đều khẳng định các đập thủy điện là nguyên nhân chính gây ra tình trạng suy giảm chất lượng của con sông từng là nguồn cung cấp thực phẩm và thu nhập của nhiều gia đình.
“Thật đáng buồn. Nhưng chúng tôi có thể làm gì?”, bà Rodjana nói.
Hy vọng bị lãng quên
Một con đập mới dự kiến được xây dựng cách huyện Chiang Kan của Loei, tỉnh miền núi đông bắc Thái Lan, khoảng 2 km.
Đập Sanakham là một chương trình trị giá 2 tỷ USD với nguồn điện được tạo ra để xuất khẩu chủ yếu sang Thái Lan. Con đập, do công ty Datang của Trung Quốc xây dựng, dự kiến tạo ra 684 megawatt điện khi đi vào hoạt động từ năm 2028. Dự án được xem là một phần không thể thiếu trong chiến lược trở thành “nguồn điện Đông Nam Á” của Lào.
Ủy hội Sông Mekong – ủy hội được thành lập để quản lý tài nguyên nước ở lưu vực sông Mekong, với các thành viên là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam – cho biết chỉ có khoảng 28 triệu USD (1,4% tổng ngân sách) được dành cho các biện pháp giảm thiểu tác hại tới môi trường và xã hội.
Thái Lan công khai phản đối kế hoạch của Lào. Dân cư sinh sống tại khu vực sông này đang vận động chính phủ ngừng xây dựng con đập, cùng với cuộc tranh luận công khai về nhu cầu sử dụng điện do thủy điện tạo ra giữa các quan chức nước này.
Tosapol Wongwan – trợ lý của Tổng thư ký, Văn phòng Tài nguyên nước Quốc gia Thái Lan – cho biết: “Những gì đang xảy ra ở sông Mekong đã đạt đến điểm không thể sửa chữa được. Những gì chúng ta có thể làm ngay bây giờ là tập trung vào cách giảm tác động (các hoạt động của con người lên dòng sông)”.
Không dễ giải quyết
Các quốc gia ở thượng nguồn – Trung Quốc và Lào – đã bắt đầu chia sẻ dữ liệu về dòng chảy của nước và báo trước về việc đóng và xả đập cho các nước láng giềng ở hạ nguồn.
Tuy nhiên, khó có thể đạt được sự minh bạch hoàn toàn giữa các nước có nhu cầu cạnh tranh về chiến lược, kinh tế và an ninh quốc gia.
Lào đang sở hữu hai đập – đập Xayaburi do Thái Lan phát triển ở phía bắc và đập Don Sahong gần biên giới Campuchia. Ngoài ra có bảy dự án khác đang được lên kế hoạch.
Các nhà phê bình cho rằng có khó có thể đánh giá minh bạch về nhu cầu sử dụng cũng như tác động của các con đập đến môi trường.
Trung Quốc, quốc gia đang thúc đẩy tiến trình xây dựng đập, khẳng định thủy điện là nguồn tài nguyên thân thiện với môi trường để thúc đẩy nền kinh tế của sông Mekong.
Tuy nhiên, theo Songrit Kirk Pongern, một nhà nghiên cứu học thuật về sông Mekong tại Đại học Kasetsart của Thái Lan, khi việc xây đập được tiếp tục, dự báo về tác động tiêu cực lên dòng sông là đáng ngại.
“Trong 5 năm nữa, hệ quả sẽ ngày càng rõ ràng hơn. Số lượng cá sẽ tiếp tục giảm, hạ nguồn sẽ thiếu phù sa, đánh bắt cá ven sông và tại địa phương sẽ biến mất, an ninh lương thực cho 60 triệu người sẽ cạn kiệt”, ông nói.