Yêu cầu triển khai lộ trình tiêm vaccine hiệu quả, Thủ tướng lưu ý ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp.
Trong thông báo kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 24/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra nguy cơ cao về dịch bệnh và quán triệt, chỉ đạo hàng loạt giải pháp chống dịch mạnh mẽ hơn.
Theo người đứng đầu Chính phủ, dịch bệnh tới đây dự báo tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường, khó kiểm soát, nhất là tại các khu công nghiệp, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh tế – xã hội, đặc biệt là tại trung tâm kinh tế lớn của đất nước.
Với những diễn biến mới, Thủ tướng cho rằng các giải pháp cần có sự điều chỉnh nhanh chóng, phù hợp, hiệu quả, và “phải bình tĩnh, sáng suốt, bản lĩnh, linh hoạt, sáng tạo để xử lý”.
Giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, Thủ tướng một lần nữa nhắc lại nguyên tắc phân cấp, cụ thể hóa, cá thể hóa trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
“Chủ trương nhất quán của Chính phủ là cần phải khẩn trương, thực hiện các giải pháp phù hợp để có đủ vaccine sớm nhất có thể để tiêm phòng cho nhân dân trên diện rộng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Để thực hiện mục tiêu này, ông giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm toàn diện về việc mua vaccine phòng dịch; đẩy nhanh hơn nữa việc tiếp cận, đàm phán nhanh chóng mua các loại vaccine từ nhiều nguồn khác nhau, bảo đảm có vaccine sớm nhất, nhiều nhất có thể.
“Phải có lộ trình, kế hoạch cho từng tháng, quý còn lại của năm 2021 và thời gian tiếp theo thật cụ thể, chi tiết trong từng khâu, từng công đoạn giao nhận, vận chuyển, bảo quản… kể cả về các yếu tố tài chính, kinh phí cho cả quy trình”, Thủ tướng chỉ đạo.
Để thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước, ông gợi ý nên có chính sách, cơ chế khuyến khích, ưu đãi để huy động lực lượng khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nghiên cứu, sản xuất.
Quán triệt việc tiêm vaccine phải có kế hoạch, lộ trình bài bản, khoa học, hiệu quả, Thủ tướng lưu ý ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp.
“Tuyệt đối không để lãng phí nguồn vaccine có được”, Thủ tướng yêu cầu và đề nghị rà soát để điều chỉnh, bổ sung danh mục đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine cho phù hợp với tình hình thực tế, chú ý cơ sở sản xuất lớn, khu dịch vụ có đông công nhân, người lao động.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương để khẩn trương hoàn thiện quy trình vận chuyển, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nguyên liệu sản xuất, nông sản giữa các vùng có dịch và các địa phương khác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và không làm đình trệ, ách tắc hoạt động sản xuất kinh doanh.
Với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng yêu cầu căn cứ tình hình, diễn biến dịch bệnh để quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, khi thấy cần thiết thì nhanh chóng thực hiện các biện pháp cách ly, phong tỏa, dập dịch theo Chỉ thị số 15 và 16 của Thủ tướng.
Sáng 26/5, Bộ Y tế công bố thêm 80 ca mắc Covid-19 trong nước, bao gồm 55 ca ở Bắc Giang, 23 ca ở Bắc Ninh và Thanh Hóa, Hải Dương mỗi nơi có một ca.
25/5 là ngày ghi nhận tổng số ca nhiễm cao kỷ lục với 444 bệnh nhân, chủ yếu liên quan đến các khu công nghiệp tại Bắc Giang. Tính từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam đã có 2.873 ca mắc Covid-19 ở 30 tỉnh, thành. Trong đó, Bắc Giang đang là địa phương có số ca nhiễm lớn nhất với 1.454 ca. Trước thực tế này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiến nghị Bộ Y tế xem xét, đề xuất với Chính phủ bổ sung đối tượng công nhân lao động tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp vào danh sách nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19. |