Không chỉ đa dạng hệ sinh thái, sự sinh sôi của các loài linh trưởng ở những vườn quốc gia sẽ góp phần phát triển du lịch sinh thái bền vững.
Ẩn mình trong những dãy núi đá vôi trùng điệp ở Phong Nha – Kẻ Bàng là những loài linh trưởng quý hiếm đang ngày một sinh sôi nảy nở, bởi chúng được sống trong điều kiện rừng mưa nhiệt đới – nơi trú ẩn lý tưởng cộng thêm nguồn thức ăn vô tận và công tác bảo tồn được gìn giữ nghiêm ngặt.
“Vương quốc” của linh trưởng
Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng ở Quảng Bình được cả thế giới biết đến với danh hiệu “Vương quốc hang động” bởi có hàng trăm hang động với vẻ đẹp huyền ảo và chứa đựng những bí ẩn, bất ngờ chưa được khám phá. Không những vậy, nơi đây còn được mệnh danh là “Thiên đường linh trưởng” bởi có số loài và mật độ linh trưởng cao nhất Việt Nam.
Đáng chú ý, cả Việt Nam có 24 phân loài linh trưởng thì nơi đây có đến 10 loài và phân loài sinh sống, trường tồn với thời gian và được xác định là nơi có sự đa dạng về linh trưởng cao nhất các VQG. Trong đó, có 3 loài linh trưởng nguy cấp trên phạm vi toàn cầu là voọc gáy trắng, voọc chà vá chân nâu và vượn đen má trắng.
Khi đặt chân đến bất kỳ vùng núi đá vôi nào ở Phong Nha – Kẻ Bàng, nhiều người không khỏi bở ngỡ bởi nếu không gặp được các loài khỉ thì cũng dễ dàng chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy của loài chà vá chân nâu, hay được nghe tiếng hót thánh thót gọi bầy của đàn vượn siki.
Các khu rừng: Hung Dạng, Hung Lau, Trộ Mợng… là những điểm thường xuyên xuất hiện của các loài chà vá chân nâu và voọc gáy trắng. Trong khi loài voọc gáy trắng thường xuyên xuất hiện ở khu vực Trộ Mợng thì nhiều người phát hiện loài chà vá chân nâu có nhiều ở Hung Dạng.
Ông Lê Thúc Định, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ – Bảo tồn và Phát triển sinh vật VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, cho biết hằng ngày đi “thị sát” hay tuần tra, cán bộ ở VQG dễ dàng bắt gặp chà vá chân nâu với số lượng khoảng 3 đàn, mỗi đàn khoảng 15 cá thể. Chà vá chân nâu với bộ lông có màu sắc rực rỡ, được Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đánh giá là “hoa khôi” trong thế giới linh trưởng.
Trong khi đó, ở khu vực rừng U Bò, nằm trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, là một quần thể vượn siki (người dân địa phương gọi là vượn hót) lớn nhất Việt Nam đang sinh sống. Tại đây, các nhà khoa học và các kiểm lâm viên ghi nhận có khoảng 41 đàn vượn siki với hàng trăm cá thể.
Theo ông Định, ở VQG này có nhiều loài linh trưởng thuộc hàng quý hiếm, như: họ culi, có các loài culi lớn, culi nhỏ; họ khỉ, có khỉ đuôi lợn, khỉ mốc, khỉ vàng, khỉ mặt đỏ, voọc đen tuyền, voọc gáy trắng, voọc chà vá chân nâu; còn họ vượn thì có vượn đen má trắng… Theo tài liệu nghiên cứu với những thống kê chưa cụ thể, riêng voọc gáy trắng ước tính có khoảng 700 cá thể; chà vá chân nâu, ước tính có khoảng trên 500 cá thể.
Nơi cứu sinh linh trưởng
Với độ quý hiếm, đặc biệt có những đồn thổi về giá trị thần kỳ từ các bộ phận loài khỉ, vượn nên các loài linh trưởng ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng luôn đối mặt với mối đe dọa lớn từ nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép khiến những cán bộ, chuyên gia đang công tác tại đây rất vất vả trong công tác bảo vệ, bảo tồn và ngăn chặn.
Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật VQG Phong Nha – Kẻ Bàng nơi có nhiều cán bộ đang nỗ lực từng ngày để cứu hộ, nuôi dưỡng hàng chục cá thể linh trưởng quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, như: voọc chà vá chân nâu, khỉ mắt đỏ, vượn đen má trắng…
Trung tâm nằm bên bờ sông Son, nơi đây có khí hậu ôn hòa và nguồn thức ăn dồi dào cho các loại linh trưởng được cứu hộ.
Tất bật chuẩn bị bữa trưa cho một chú khỉ mặt đỏ, ông Phạm Kim Vương – Trưởng Bộ phận cứu hộ động vật hoang dã, cho biết chú khỉ này rất đáng thương, trước đó bị một nhóm người vào rừng săn bắt. Nhờ kiểm lâm phát hiện, chú khỉ này mới được cứu sống. Dù vậy, tinh thần nó hoảng loạn, trên người bị thương do vướng vào bẫy thú, may nhờ các anh em ở bộ phận cứu hộ chăm sóc chu đáo nên giờ sức khỏe đã ổn định và chuẩn bị về lại môi trường tự nhiên.
Bác sĩ thú y Lê Ngọc Anh, phó giám đốc trung tâm này, cho biết hoạt động cứu hộ động vật hoang dã được thực hiện ngay từ khi thành lập, năm 2001. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng cứu hộ lúc này còn rất tạm bợ, chưa có khu cứu hộ động vật nên việc cứu hộ chỉ tập trung vào một số loài nguy cấp. Từ năm 2015 tới nay, đơn vị đã tiếp nhận gần 600 cá thể động vật hoang dã; tỉ lệ cứu hộ thành công đạt gần 90%. Hiện trung tâm đang tiếp tục nuôi dưỡng và cứu hộ hàng chục cá thể động vật hoang dã. “Việc chăm sóc không hề đơn giản, vừa vất vả có khi đối mặt với hiểm nguy” – bác sĩ thú y Lê Ngọc Anh nói.
Xây dựng chiến lược bảo tồn
Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, cho biết đơn vị đã xây dựng các chương trình hành động về bảo vệ, bảo tồn động thực vật hoang dã; động thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm để đáp ứng yêu cầu của công tác bảo tồn theo tình hình thực tế. Từ 2015 tới nay, người dân được tuyên truyền đã có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc giao nộp các cá thể động vật hoang dã để bảo tồn, trong đó có loài linh trưởng quý hiếm: khỉ đuôi lợn, khỉ vàng, khỉ cộc, culi nhỏ, rùa núi viền, voọc Hà Tĩnh… Ngoài ra, để góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn động vật hoang dã, VQG cũng đã ký kết quy chế phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh, kiểm lâm, chính quyền 7 xã vùng đệm nhằm ngăn chặn vận chuyển lâm sản trái phép; ký cam kết không vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, không kinh doanh, buôn bán, tiêu thụ động vật rừng đối với các hộ dân, nhà hàng trên địa bàn các xã vùng đệm và các đơn vị khai thác, kinh doanh du lịch… |