Ô nhiễm rác thải nhựa và túi ni lông là một trong những mối đe dọa toàn cầu và đang gia tăng nghiêm trọng. Vì vậy, việc kiểm soát rác thải nhựa và túi ni lông đang trở thành vấn đề môi trường cấp bách hiện nay. Để giải quyết vấn nạn này, việc liên kết các nhà bán lẻ sẽ là cơ hội để thúc đẩy việc giảm sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Thế giới đang quản chặt bao bì thải bỏ
Bà Fanny Quertamp, đại diện Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) cho biết: Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã có những biện pháp mạnh mẽ trong việc quản lý rác thải nhựa, đặc biệt túi ni lông. Tại EU, Nghị viện và Hội đồng châu Âu đã thông qua Chỉ thị của EU 2015/720 ngày 29/4/2015 liên quan đến việc giảm tiêu thụ túi ni lông. Chỉ thị bao gồm mục tiêu các nước thành viên giảm mức tiêu thụ xuống tối đa 90 túi/người/năm vào năm 2019 và tối đa 40 túi/người/năm vào năm 2025. Các quốc gia thành viên nên đảm bảo rằng túi ni lông sẽ không được cung cấp miễn phí trong các siêu thị/cửa hàng.
Tại Đức, năm 2016, Bộ Liên bang về Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân (BMU) và Liên đoàn Bán lẻ Đức (HDE) đã ký kết thỏa thuận tự nguyện để giảm bớt các ni lông có trọng lượng nhẹ nhằm thực hiện Chỉ thị EU 2015/720 ở Đức. Theo đó, các công ty và hiệp hội tham gia phải giám sát và báo cáo về số lượng, trọng lượng và chất liệu của túi thông qua một bên thứ ba độc lập cho Bộ Môi trường Liên bang.
Đầu năm 2021, Chính phủ và Quốc hội Đức thông qua sửa đổi Đạo luật đóng gói để cấm các loại túi ni lông có độ dày từ 15 – 50 micron. Lệnh cấm có hiệu lực vào tháng 1/2022, thay thế thỏa thuận tự nguyện và áp đặt bao gồm cả các nhà bán lẻ/cửa hàng không tham gia vào thỏa thuận tự nguyện.
Tại Thái Lan, nhiều tập đoàn bán lẻ, siêu thị lớn, những công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất nhựa và các hiệp hội thương mại Thái Lan đã ngừng phát túi nhựa sử dụng một lần cho khách hàng từ tháng 1/2020. Đến đầu năm 2022, Thái Lan sẽ cấm sử dụng các hộp đựng thực phẩm làm bằng xốp và những vật dụng bằng nhựa sử dụng một lần như túi nhựa mỏng, ống hút và cốc nhựa. Lệnh cấm này là một phần trong lộ trình của Chính phủ về quản lý chất thải nhựa giai đoạn 2018 – 2030.
Tại Hàn Quốc, Chính phủ quy định các chuỗi cửa hàng bán lẻ và siêu thị không được phép cung cấp túi ni lông cho khách hàng. Đơn vị vi phạm sẽ bị phạt tới 3 triệu won (2.600 USD). Bộ Môi trường Hàn Quốc ước tính biện pháp trên sẽ làm giảm số túi ni lông sử dụng hàng năm khoảng 2,2 tỷ chiếc. Ấn Độ đã cấm sử dụng túi ni lông ở nhiều nơi trên toàn quốc. Indonesia, nước bị xếp vào nhóm nước có nhiều rác thải gây ô nhiễm biển, cam kết đến năm 2025 giảm khoảng 70% lượng rác thải nhựa tại các vùng biển nước này.
Giải pháp cắt giảm bao bì thải bỏ
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng chống, giảm thiểu rác thải nhựa và túi ni lông, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Theo đó, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND về phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn thành phố; Kế hoạch số 2632/KH-SCT về giảm thiểu chất thải nhựa và túi ni lông trong cung ứng sản xuất và tiêu dùng công nghiệp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đến năm 2020.
Để giải quyết vấn đề này, sáng kiến về xây dựng Liên minh tiêu dùng bán lẻ giảm thiểu túi ni lông một lần tại Việt Nam được đề xuất nhằm thúc đẩy liên kết giữa các siêu thị, cùng nhau hành động vì mục tiêu giảm thải rác thải nhựa và túi ni lông dùng một lần, góp phần bảo vệ môi trường.
Mục tiêu của Dự án là giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông sử dụng một lần tại các siêu thị và dần thay đổi hành vi sử dụng túi thân thiện với môi trường của khách hàng. Theo đó, Dự án gồm có 3 hợp phần chính: Liên minh tiêu dùng bán lẻ được thành lập và vận hành nhằm giảm sử dụng túi ni lông sử dụng một lần tại các siêu thị; các chương trình khuyến mại được áp dụng nhằm khuyến khích khách hàng giảm sử dụng túi ni lông; hoạt động truyền thông nhằm thay đổi hành vi của khách hàng.
TS. Kim Thị Thúy Ngọc, Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT |
Tiến sĩ Kim Thị Thúy Ngọc, Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT đề xuất các hoạt động trong kế hoạch hành động của Liên minh như Chương trình một ngày không sử dụng túi ni lông/tuần tại các siêu thị; Chương trình tích điểm thưởng (1 ngày/1 tuần) khi không sử dụng túi ni lông; Chương trình tặng túi thân thiện với môi trường; Chương trình trừ tiền trên hóa đơn mua hàng khi không sử dụng túi ni lông; Chương trình đổi voucher với quyền lợi ưu đãi khi mua hàng đối với một số nhãn hàng; Chương trình tính phí đối với túi ni lông sử dụng một lần.
Mục tiêu cụ thể là thay thế túi ni lông sử dụng một lần bằng túi thân thiện với môi trường; giảm ít nhất 10% tổng lượng túi ni lông sử dụng một lần so với năm 2020; 100% thành viên Liên minh thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; 80% thành viên Liên minh thực hiện các chương trình khuyến mại nhằm khuyến khích khách hàng giảm sử dụng túi ni lông sử dụng một lần; 50% các chi nhánh của thành viên bước đầu thử nghiệm việc yêu cầu khách hàng trả tiền đối với túi ni-lông sử dụng một lần.