Đà Nẵng khuyến khích phát triển sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới

Theo đề án năng lượng vừa phê duyệt, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong tổng cung năng lượng sơ cấp trên địa bàn Đà Nẵng đạt khoảng 9,17% vào năm 2025; đến năm 2035 tỷ lệ này đạt 9,69%.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh vừa ký phê duyệt Đề án phát triển sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên địa bàn TP đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035.

Theo đó, Đà Nẵng sẽ phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới được khảo sát, đánh giá, lập dự án và đưa vào quy hoạch. Tỷ lệ các nguồn năng lượng này trong tổng cung năng lượng sơ cấp trên địa bàn Đà Nẵng đạt khoảng 9,17% vào năm 2025; đến năm 2035 tỷ lệ này đạt 9,69%.

Đà Nẵng nghiên cứu, ứng dụng phát triển các dự án điện gió quy mô vừa và nhỏ (ảnh minh họa).

Về năng lượng mặt trời, đến năm 2025, tổng công suất lắp đặt trên địa bàn Đà Nẵng phấn đấu đạt 244,675MW, sản lượng điện mặt trời tương ứng là 357.226MWh. Đến năm 2035, sản lượng điện mặt trời đạt 843%.133 MWh.

Đối với điện mặt trời mặt đất, Đà Nẵng xem xét có chủ trương từ ban đầu về mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp điện mặt trời để các chủ đầu tư và cơ quan quản lý chủ động triển khai.

Đối với các khu đất được quy hoạch lâu dài cho sản xuất nông nghiệp, khuyến khích kết hợp sản xuất nông nghiệp với lắp đặt điện mặt trời, tăng hiệu quả sử dụng đất. Đối với các mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác, diện tích khoảng 116ha, khuyến khích đầu tư điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp; dự kiến công suất lắp đặt khoảng 100MWp. Đến năm 2025, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mặt đất toàn TP khoảng 74,96MWp; năm 2035 đạt khoảng 176,MWp.

Về điện gió, Đà Nẵng nghiên cứu, ứng dụng phát triển các dự án với quy mô vừa và nhỏ; nghiên cứu đánh giá cụ thể tiềm năng điện gió trên biển; ưu tiên những đơn vị có tiềm lực về kỹ thuật và tài chính để phát triển điện gió ngoài khơi.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng khuyến khích năng lượng sinh khối, mục tiêu đến năm 2025 đạt tổng công suất là 33MW, đến năm 2035 đạt 50MW.

Để thực hiện đề án này, Đà Nẵng khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển các dự án năng lượng. Bố trí nguồn lực hợp lý cho nghiên cứu công nghệ năng lượng tái tạo, xây dựng dữ liệu năng lượng tái tạo cho mục đích dài hạn. Kêu gọi đầu tư các dự án về sản xuất công nghệ năng lượng tái tạo.