Tôn vinh những “người hùng” bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010-2020.
Ông Lê Văn Hiên, sinh năm 1961, tại xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, mới đây được Quỹ Bảo tồn Disney (Mỹ) phong tặng danh hiệu Anh hùng bảo tồn. Đáng chú ý, trước đây, ông Hiên từng là một thợ săn, sau đó ông có những thay đổi về suy nghĩ và quyết định từ bỏ nghề này, đồng thời tích cực tham gia các đoàn khảo sát và nghiên cứu tại rừng Kim Bảng.
Những thông tin và hình ảnh do ông thu thập được là những tư liệu quý giá giúp các nhà khoa học và chuyên gia của Tổ chức FFI phát hiện ra quần thể voọc mông trắng lớn thứ 2 thế giới tại rừng Kim Bảng. Sau đó, ông Hiên tình nguyện tham gia Tổ bảo tồn cộng đồng và được cử làm tổ trưởng. Nhờ Tổ bảo tồn cộng đồng này, từ năm 2016-2018, số lượng voọc được ghi nhận phát triển từ 40 cá thể đến hơn 100 cá thể.
Những câu chuyện như ông Hiên trở thành niềm cảm hứng trong Chương trình “Vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010-2020” nhằm hưởng ứng Ngày Đa dạng sinh học quốc tế (22.5).
Giai đoạn 2010-2020 được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tuyên bố là “Thập kỷ Liên Hiệp Quốc về đa dạng sinh học” nhằm đạt được sự cam kết chung của các quốc gia trong việc bảo vệ hơn 8 triệu loài động thực vật đang bị đe dọa để cân bằng sự sống trên hành tinh. “Nhân loại có thể không bao giờ biết được những cơ hội quý báu về những bệnh nan y có thể được chữa khỏi hoặc những phát hiện bổ ích khác từ thiên nhiên bởi nhiều hệ sinh thái bị hủy hoại vĩnh viễn hoặc đất đai bị ô nhiễm không thể sử dụng được”, ông Ban Ki-moon với tư cách là Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi toàn nhân loại bảo vệ sự đa dạng sinh học trên Trái đất.
Lời kêu gọi được đưa ra khi sự đa dạng sinh học trên Trái đất đang suy giảm với tốc độ ngày càng nhanh hơn. Hơn 1 triệu loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cận kề. Các hoạt động của con người làm cho 75% bề mặt đất và 66% diện tích đại dương bị thay đổi mạnh mẽ.
Việt Nam nằm trong Top 16 quốc gia có sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới, song, tính chất đa dạng sinh học đang chịu áp lực ngày càng tăng do hoạt động của con người và tình trạng biến đổi khí hậu. Đáng chú ý là hoạt động của con người ngày càng xâm hại nghiêm trọng vào sự quân bình của thiên nhiên.
Để ngăn chặn xu hướng này, trong một thập kỷ qua, nhiều cá nhân, những nhà khoa học và các tổ chức bảo tồn nỗ lực bảo vệ đời sống hoang dã với hàng loạt nghiên cứu, phát hiện loài mới và sáng kiến, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp bảo tồn hiệu quả tại Việt Nam.
Một số loài mang tính phát hiện mới có thể kể như bọ cạp Euscorpiopsis Cavernicola (tại khu vực huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) và bọ cạp Vietbocap thienduongensis (vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình). Các phát hiện mới không chỉ có ý nghĩa trong khoa học mà còn có giá trị thực tiễn cao bởi nọc bọ cạp là nguyên liệu tự nhiên tiềm năng cho ngành dược hiện tại và trong tương lai.
Ngoài ra, những loài cây quý như Mộc Hương (Aristolochia), chi Arachniodes,… cũng được nghiên cứu về mối quan hệ phát sinh loài và tiến hóa nhằm phục vụ ứng dụng thực tiễn. Thông qua các nghiên cứu, nhiều loài thực vật có giá trị trong y học, sản xuất được định danh và có phương án bảo tồn hợp lý. Nhiều tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010-2020 cũng ghi nhận nhiều sáng kiến, giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả nỗ lực của các cấp, các ngành và cả xã hội trong công tác bảo tồn loài. Chẳng hạn, giải pháp nhân nuôi bảo tồn thành công loài gà Lôi Lam mào trắng – một loài chim đặc hữu quý hiếm của Việt Nam. Vùng phân bố của loại gà quý hiếm này ở tỉnh Quảng Trị, trước đó hầu như vắng bóng chim, thú do nạn săn bẫy, buôn bán trái phép động vật hoang dã. Vì thế, quần thể gà Lôi Lam hoang dã giảm mạnh, các cá thể cuối cùng từng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Ngoài ra, việc ghép đôi sinh sản chim Cao Cát bụng trắng (nằm ở mục II của Công ước quốc tế về buôn bán động, thực vật hoang dã nguy cấp – CITES) cũng đã thành công, phục vụ công tác giáo dục môi trường và bảo tồn trong tương lai. Bên cạnh giải pháp nhân nuôi bảo tồn loài nguy cấp, các sáng kiến khác cũng tập trung vào cứu hộ loài động vật hoang dã. Trong đó, có các nhóm tình nguyện đã cứu hộ được 100 cá thể rùa biển, trong đó 94 cá thể đã được thả về biển; hay quy trình cứu hộ gấu, nuôi gấu trong môi trường bán hoang dã…
Những nỗ lực này góp phần thay đổi nhận thức của người dân về tầm quan trọng của động vật hoang dã trong hệ sinh thái gắn liền với đời sống của con người. Trong một báo cáo mới đây, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho biết, 90% người Việt Nam ủng hộ đóng cửa thị trường buôn bán động vật hoang dã; 91% ủng hộ với việc đóng cửa những nhà hàng bán động vật hoang dã phi pháp và không được quản lý.