Dù khẳng định việc hỗ trợ châu Phi xây cảng cá dọc bờ biển là hành động thực hiện hoá “ước mơ ấp ủ bấy lâu” của nước này, động thái của Trung Quốc đang dấy lên nhiều nghi ngờ.
Nguồn tin cho rằng Bắc Kinh đã bí mật tài trợ cho một cảng cá ở Sierra Leone (Tây Phi) 55 triệu USD. Cảng cá nằm trên bờ biển còn sơ khai, bao quanh bởi khu rừng mưa nhiệt đới và là nơi cư trú của các loài động vật quý hiếm.
Theo Jane Aspden Gbandewa – người dân kinh doanh trên địa bàn, khoản tài trợ được tiết lộ sau khi giới chức khu vực lên tiếng tạm dừng các giao dịch đất đai vì Trung Quốc.
Trung Quốc được cho là đã tài trợ hàng loạt máy sản xuất bột cá. Những chiếc máy này mọc lên như nấm dọc theo bờ biển Tây Phi trong thời gian gần đây. Dự án này có thể tàn phá cảnh quan địa phương, nuốt chửng lượng lớn hải sản và gây ô nhiễm môi trường.
Dù phủ nhận tin đồn tài trợ hàng loạt máy sản xuất bột cá, Bắc Kinh và Freetown (thủ đô của Sierra Leone) vẫn thừa nhận một thỏa thuận giữa 2 nước đã được đưa ra.
Ngày 18/3, giới chức Sierra Leone khẳng định dự án này là một phần sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh, hỗ trợ ngành thuỷ sản địa phương. Đặc biệt, ông nhấn mạnh hoạt động “thẩm định tác động đến môi trường sẽ được thực hiện sát sao”.
Tuy nhiên, động thái này không phù hợp với lời kêu gọi xây dựng “nền văn minh sinh thái” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bối cảnh ông đang quyết tâm trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về biến đổi khí hậu.
Trả lời CNN, nhà phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết “một bến tàu đánh cá hiện đại” là “mong ước ấp ủ bấy lâu” của người dân Sierra Leone.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối làm rõ tổ chức hay cá nhân nào đứng sau các khoản tiền gửi tới Sierra Leone. Các điều khoản của khoản tài trợ cũng không minh bạch như liệu công ty Trung Quốc có đứng ra thực hiện việc xây dựng bến cảng hay không. Giới chức nước này chỉ đơn thuần khẳng định “quyền sở hữu đất và cảng thuộc về Sierra Leone”.
Đối với Sierra Leone, việc mở rộng ngành đánh bắt thuỷ hải sản đóng vai trò quan trọng với an ninh lương thực và ngành xuất khẩu. Nhưng, điều đó chỉ giúp ích cho đất nước khi được thực hiện một cách nghiêm túc.
Tuy nhiên, động thái mập mờ của Trung Quốc đã dấy lên nhiều nghi ngờ. Nghiên cứu về các hợp đồng cho vay chỉ ra các điều khoản bí mật của Trung Quốc là yếu tố chính thúc đẩy thỏa thuận “Vành đai và Con đường”.
“Trung Quốc không có được lòng tin từ các quốc gia và cộng đồng người dân địa phương. Chính vì vậy, bất kỳ thỏa thuận nào Trung Quốc đưa ra cũng đều bị nghi ngờ”, Cobus van Staden, nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc – châu Phi, chia sẻ.
“Câu chuyện ‘bẫy nợ’ của Trung Quốc tại Châu Phi đã được chứng minh bấy lâu nay. Ngay cả khi vấn đề này được nhắc lại nhiều lần, những bài học kinh nghiệm cho châu Phi sẽ không bao giờ biến mất”, ông khẳng định.