Đại dịch, bất ổn chính trị, các cú sốc bên ngoài đang làm tê liệt nhiều nền kinh tế châu Á.
Trong cả năm 2020, thành công của các nước châu Á trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 đã khiến khu vực này trở thành ngôi sao của thế giới. Trong khi châu Âu và Mỹ vẫn chìm trong suy thoái sâu thì phần lớn các nền kinh tế châu Á đã thoát hiểm với đà suy giảm có phần nhẹ hơn hoặc có những quốc gia thậm chí tiếp tục giữ được đà tăng trưởng. Nhưng khi các nền kinh tế phương Tây chuẩn bị cho một cuộc khởi sắc nhờ sự phổ biến của vaccine ngừa COVID-19 mà dự kiến sẽ đưa GDP quay trở lại thời điểm trước dịch vào cuối năm nay thì hiện nay nhiều nước châu Á vẫn còn bị tê liệt bởi đại dịch và các cú sốc khác. Myanmar, chẳng hạn, được dự báo sẽ tăng trưởng âm gần 10% năm nay sau cuộc đảo chính hồi tháng 2 đẩy nước này vào tình trạng hỗn loạn giữa lúc đại dịch đang bủa vây.
Vì thế, dù tăng trưởng GDP hiện tại vẫn khả quan nhưng viễn cảnh tăng trưởng chậm hơn ở châu Á dự kiến sẽ diễn ra trong những tháng tới. Trong báo cáo triển vọng tăng trưởng khu vực được công bố mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết các nền kinh tế châu Á đang phân rẽ và các đợt tái bùng phát COVID-19 chưa có hồi kết là một rủi ro rất lớn cho triển vọng của toàn khu vực.
“Các đợt bùng phát mới vẫn đang tiếp diễn, một phần do sự xuất hiện của các biến thể virus mới và nhiều nền kinh tế châu Á đang đối mặt với thách thức trong việc mua và phân phối vaccine”, Yasuyuki Sawada, chuyên gia kinh tế trưởng ADB, nhận xét. ADB dự báo tăng trưởng GDP 5,6% ở các nền kinh tế đang phát triển của châu Á vào năm 2021, dẫn đầu là Trung Quốc với 8,1%. Nhưng mối đe dọa gia tăng từ dịch bệnh có nghĩa là kịch bản tăng trưởng này có thể sẽ thay đổi theo chiều hướng tiêu cực.
“Nếu là cách đây 6 tháng, hoặc 8 tháng, tôi sẽ nói rằng châu Á chắc chắn dẫn trước cuộc chơi vì khu vực này kiểm soát được dịch COVID-19”, Steve Cochrane, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Moody’s Analytics, nhận xét.
Nhưng bức tranh đã thay đổi khi Ấn Độ gánh chịu các đợt tái bùng phát nghiêm trọng và các ca nhiễm vẫn tăng cao ở các nước như Indonesia, Philippines và Thái Lan, vốn đã không thể tái mở cửa ngành du lịch quan trọng của đất nước để vực dậy nền kinh tế. Một số nước khác như Nhật đang chật vật kiểm soát sự lây lan của virus bằng các lệnh giới nghiêm ở một số địa phương có ca nhiễm để giữ nền kinh tế các địa phương này trong trạng thái ngủ đông. “Một vài nước cần vaccine để kiểm soát COVID-19. Những nước khác cần vaccine để có thể mở cửa cho du lịch quốc tế”, Cochrane nói.
Ngay cả triển vọng tăng trưởng hơn 6% năm 2021 của Mỹ nhờ gói kích thích kinh tế của Tổng thống Joe Biden cũng sẽ không mang lại kết quả như mong đợi cho các nhà xuất khẩu châu Á. Bởi vì người Mỹ đã mua rất nhiều hàng hóa trong giai đoạn dịch bệnh trong khi lãi suất ở Mỹ cao hơn có nghĩa là các điều kiện tài chính bị siết chặt hơn ở châu Á. Khi nền kinh tế mở cửa, người tiêu dùng Mỹ có lẽ sẽ chịu chi cho các dịch vụ họ bị từ chối cung cấp trong suốt giai đoạn phong tỏa, như các bữa ăn bên ngoài hay dịch vụ cắt tóc, làm đẹp, hơn là chịu bỏ tiền mua một chiếc tivi mới.
Theo Freya Beamish, chuyên gia kinh tế trưởng châu Á tại Pantheon Macroeconomics, sức nóng từ gói kích cầu Mỹ sẽ vẫn lan tỏa phần nào sang châu Á, vì các nhà cung cấp dịch vụ cũng cần phải mua sắm trang thiết bị, nhưng “chúng tôi không nghĩ rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ đi mua hàng hóa mới và châu Á sẽ hưởng lợi từ việc đó”.
Nhu cầu mua hàng hóa của Mỹ dù nhiều hay ít cũng là một tín hiệu tích cực. Ngược lại, mức lãi suất tại Mỹ cao hơn và đồng USD mạnh hơn có thể khiến các nền kinh tế mới nổi châu Á rơi vào tình huống “taper tantrum” như đã xảy ra vào năm 2013. Taper tantrum chỉ hiện tượng tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền các nền kinh tế mới nổi, khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn vào năm 2013 – thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo sẽ giảm dần quy mô nới lỏng định lượng.
Xu hướng vay mượn ngoại tệ và hội nhập tài chính gia tăng có nghĩa là nỗi đau từ việc lãi suất tăng ở Mỹ sẽ được cảm nhận rất nhanh ở bờ bên kia của Thái Bình Dương. “Một đồng USD mạnh hơn không còn là cơn mưa phúc lành đối với các nền kinh tế châu Á. Nó hỗ trợ xuất khẩu nhưng lại siết chặt các điều kiện tài chính ở châu Á”, Frederic Neumann, đồng đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á ở HSBC tại Hồng Kông, nhận xét.
Tuy nhiên, vì lạm phát đã được xoa dịu ở hầu hết các nền kinh tế mới nổi châu Á nên theo ADB, rủi ro cú sốc từ Mỹ đối với thị trường tài chính khu vực “vẫn trong phạm vi xoay xở được trong điểm hiện tại”. Các nền kinh tế như Sri Lanka và Lào được cho là sẽ dễ bị tổn thương nếu một cú sốc như thế xảy ra. Một số nền kinh tế châu Á đang ở vị thế rất tốt trong những năm tới, đặc biệt là Đài Loan và Hàn Quốc, vốn còn ăn theo chu kỳ tăng trưởng của ngành chất bán dẫn. “Nhìn từ góc độ thiếu hụt chất bán dẫn, có vẻ như chu kỳ phát triển của ngành điện tử sẽ vẫn còn tiếp tục trong 2-3 quý tới. Điều này giúp các nền kinh tế trên vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”, Neumann nhận xét.
Trong khi đó, một số nền kinh tế khác ở châu Á sẽ phải dựa vào nhu cầu nội địa để tăng trưởng. Tại Trung Quốc, tăng trưởng GDP quý I năm nay cho thấy nền kinh tế nước này đã phần nào mất đà. “Nhu cầu nội địa của Trung Quốc vẫn còn dư địa tăng trưởng. Dự báo của chúng tôi ngay thời điểm này là Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8% vào năm 2021, nhưng còn phụ thuộc nhiều vào động thái của các nhà làm chính sách và việc họ nhanh chóng rút gói kích thích nhanh như thế nào”, Cochrane nói.
Yasuyuki Sawada, thuộc ADB thì nhận xét: “Các nền kinh tế trong khu vực đang đi trên những ngã rẽ khác nhau. Đường đi của họ như thế nào còn phụ thuộc vào các đợt tái bùng phát dịch trong nước, tốc độ tiêm chủng vaccine và họ hưởng lợi thế nào từ đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu”.